Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cảnh báo với các nhà lập pháp tại Washington rằng Syria có thể chứng kiến một làn sóng bạo lực mới và sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vòng vài tuần. 

Marco Rubio 21 5
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio làm chứng trước Ủy ban Tài chính Hạ viện | Tiểu ban An ninh Quốc gia về Bộ Ngoại giao và các Chương trình Liên quan tại Tòa nhà Văn phòng Hạ viện Rayburn vào ngày 21 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: John McDonnell/Getty Images)

Ngoại trưởng Rubio cũng lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với Syria, bao gồm quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương và tổ chức gặp mặt trực tiếp với tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa, bất chấp quá khứ từng tham gia vào phong trào thánh chiến.

Chính quyền [lâm thời hiện nay tại Syria], với những thử thách mà họ đang phải đối diện, có lẽ chỉ còn vài tuần – chứ không phải vài tháng nữa – là có khả năng sụp đổ và một cuộc nội chiến toàn diện quy mô lớn [sẽ xảy ra]. Về cơ bản, đất nước này đang bị chia cắt”, ông Rubio phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Ba (20/5). 

Ông Rubio quy trách nhiệm cho cựu Tổng thống Bashar al-Assad về tình trạng bạo lực kéo dài từ năm 2011, khi Hoa Kỳ hậu thuẫn một nỗ lực trong nước nhằm lật đổ ông al-Assad, dẫn đến một cuộc xung đột đẫm máu và kéo dài hàng thập niên.

Theo ông Rubio, Syria đã trở thành “một sân chơi cho các nhóm thánh chiến, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và những nhóm cực đoan khác”. Tổng thống Syria Al-Sharaa, người từng lãnh đạo tổ chức Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dưới bí danh Abu Mohammad al-Julani, đã lên nắm quyền sau khi lật đổ ông Assad vào năm ngoái.

Dù ban lãnh đạo mới của Syria “không vượt qua được cuộc kiểm tra lý lịch của Cục Điều tra Liên bang (FBI)”, ông Rubio cho rằng Hoa Kỳ vẫn phải hậu thuẫn chính quyền này để ngăn chặn tình trạng bất ổn lan rộng trong khu vực. Ông Rubio lập luận rằng một chính sách đối ngoại mang tính thực tiễn đòi hỏi chương trình nghị sự về nhân quyền của Hoa Kỳ phải được điều chỉnh “[linh hoạt] tuỳ theo từng khu vực trên thế giới”.

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ cho phép viện trợ ngoại quốc đổ vào Syria, có khả năng ổn định nền kinh tế và khuyến khích hàng triệu người tị nạn Syria hồi hương — ông Rubio cho biết. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn chưa rõ liệu hướng tiếp cận hiện tại có mang lại kết quả thành công hay không.

Nếu chúng ta giao thiệp với [chính quyền al-Sharaa], điều đó có thể thành công, hoặc cũng có thể không thành công. Nhưng nếu chúng ta không giao thiệp, [thì thất bại] là điều chắc chắn”, ông Rubio nói thêm.

Các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ trước đó nhằm mục đích cản trở nỗ lực của ông Assad trong việc tái thiết đất nước Syria sau khi ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria vào năm 2015. Những vấn đề kéo dài dai dẳng đã làm xói mòn tinh thần của quân đội Syria, khiến phần lớn lực lượng này đã từ chối bảo vệ thủ đô Damascus khi lực lượng HTS phát động cuộc tấn công vào tháng Mười Một năm ngoái.

Tân Tổng thống al-Sharaa đã cam kết sẽ bảo đảm duy trì sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo tại Syria nhằm tìm kiếm hậu thuẫn từ các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, triều đại của ông al-Sharaa bị phủ bóng bởi những vụ thảm sát được báo cáo đối với người Alawite theo đạo Thiên chúa và những người ủng hộ ông Assad.

Trong những tháng gần đây, Israel đã nhiều lần không kích vào lãnh thổ Syria, với lý do nhằm bảo vệ lực lượng dân quân Druze khỏi các chiến binh trung thành với tân chính phủ Syria.

Thiên Vân, theo RT