Người dùng WeChat tại Mỹ muốn kiện về lệnh cấm của ông Trump
- Xuân Lan
- •
Một nhóm người dùng WeChat ở Mỹ đang muốn khởi kiện đối với lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump đối với ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, cho rằng động thái này vi phạm quyền hiến pháp của họ, theo tờ Nikkei.
Đầu tháng 8, ông Trump đã ký hai lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ giao dịch với WeChat, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Tencent Holdings và ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng video TikTok, có hiệu lực vào ngày 20/9 tới đây.
Lệnh cấm WeChat đã gây ra lo ngại đối với nhiều người Mỹ gốc Hoa và người nước ngoài Trung Quốc sống ở Mỹ, những người phụ thuộc nhiều vào WeChat trong đời sống cá nhân cũng như công việc của họ.
Liên minh người dùng WeChat tại Mỹ, một nhóm phi lợi nhuận được thành lập bởi 5 luật sư người Mỹ gốc Hoa vài ngày sau khi lệnh hành pháp được công bố, cho biết sẽ đệ đơn kiện vào Thứ Sáu tại Tòa án Quận phía Bắc California để yêu cầu đảo ngược lệnh cấm.
Michael Bien, đồng sáng lập tại công ty luật Rosen Bien Galvan & Grunfeld có trụ sở tại San Francisco, được Liên minh chỉ định tiến hành vụ kiện cho biết lệnh cấm của TT Trump sẽ ngăn người dùng WeChat ở Mỹ sử dụng một thứ rất cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống của họ.
Mặc dù lượng người dùng WeChat tại Mỹ chỉ chiếm chưa đến 7% lượng người dùng toàn cầu của WeChat, tương đương 19 triệu, ứng dụng này đã trở thành một công cụ giao tiếp thiết yếu đối với nhiều người Hoa sinh sống ở nước ngoài.
Ông Bien lập luận rằng bởi ứng dụng đó là phương thức chính để nhiều người dùng Mỹ giao tiếp, tổ chức các nhóm xã hội, điều hành doanh nghiệp và tham gia vào các hoạt động chính trị, nên lệnh cấm là vi phạm Hiến pháp. “Bạn không thể kiểm duyệt một phương thức giao tiếp cơ bản như vậy.”
> Cấm WeChat, người Mỹ gốc Hoa có thể thoát khỏi tuyên truyền của Bắc Kinh
Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm chính phủ đưa ra bất kỳ luật nào vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tập hợp và tổ chức các nhóm một cách hòa bình.
“Tòa án tối cao đã công nhận rằng các ứng dụng và chức năng của mạng xã hội tương tự như một không gian công cộng trong xã hội của chúng ta. Nó giống như quảng trường nơi bạn có thể nói chuyện, bạn có thể phát biểu, bạn có thể tìm hiểu mọi thứ, chia sẻ ý tưởng và thông tin. Và đó là điều WeChat đang được sử dụng,” ông Bien nói.
Lệnh hành pháp nghiêm cấm bất kỳ giao dịch nào với Tencent có liên quan đến WeChat, nhưng không xác định thế nào là một “giao dịch”.
“Một trong những vấn đề với lệnh hành pháp được ban hành vào ngày 6/8 là không ai biết nó có ý nghĩa gì hay điều này có ảnh hưởng gì đến người dùng,” ông Bien nói. “Lệnh hành pháp này có các biện pháp trừng phạt hình sự… và không ai biết điều gì được phép. Sự mơ hồ trong luật cũng là vi phạm Hiến pháp.”
Lệnh cấm WeChat được TT Trump ban hành theo quyền hạn có trong Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) sau khi ông tuyên bố các ứng dụng của Trung Quốc đã gây ra tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Cho đến nay, Liên minh người dùng WeChat tại Mỹ đã thu được gần 50.000 đôla quyên góp. Hiện chưa rõ liệu Tencent có thực hiện hành động pháp lý của riêng mình chống lại lệnh cấm WeChat hay không.
Tuy nhiên, trái ngược với những phản ứng đối với WeChat của một số người dùng như trên, nhiều người dùng khác lại hoan nghênh lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng những rủi ro do ứng dụng này gây ra lớn hơn nhiều so với tiện ích mà nó cung cấp bởi ứng dụng đã và đang xuất khẩu các hệ thống giám sát và kiểm duyệt của ĐCSTQ vào Hoa Kỳ, theo The Epoch Times.
Xuân Lan
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Mỹ cấm WeChat