Nhà đầu tư tỷ phú chỉ trích Big Tech hợp tác với Trung Quốc cộng sản
- Gia Huy
- •
Nhà đầu tư tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ Peter Thiel đã chỉ trích các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ (Big Tech) quá thân thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kêu gọi họ hủy bỏ mối quan hệ với chế độ độc tài này.
Ông Theil cũng là người đồng sáng lập PayPal và là thành viên hội đồng quản trị của Facebook.
Ông Thiel đã nói trong một hội nghị bàn tròn trực tuyến hôm 6/4 do Quỹ Richard Nixon tổ chức: “Bởi vì mọi thứ ở Trung Quốc đều là sự kết hợp dân sự – quân sự, nên Google đã hợp tác hiệu quả với quân đội Trung Quốc, chứ không phải với quân đội Mỹ.” Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’brien cũng tham gia sự kiện này.
Phát biểu nêu trên của ông Thiel là đề cập đến việc Google quyết định không gia hạn hợp đồng với Lầu Năm Góc vào năm 2018, vốn cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích cảnh quay video bằng máy bay không người lái trong một chương trình có tên Dự án Maven (Project Maven). Lý do Google không tiếp tục dự án quân sự này là họ không ủng hộ “việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho các hệ thống vũ khí hóa.”
Nhưng cũng trong năm 2018, Google lại quyết định hợp tác với Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc để thành lập một tổ chức nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo mới.
Lầu Năm góc đã nêu tên Đại học Thanh Hoa trong báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 của mình bởi vì trường đại học này có các phòng thí nghiệm liên kết với quân đội Trung Quốc và có quan hệ với chiến lược kết hợp quân sự – dân sự của ĐCSTQ, vốn cho phép chế độ cộng sản này tận dụng các công nghệ thương mại để phát triển quân sự.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo trên trang web của mình rằng chiến lược của ĐCSTQ liên quan đến việc đánh cắp tài sản trí tuệ để “đạt được sự thống trị về quân sự.”
Ngoài ra, Đại học Thanh Hoa nằm trong số hơn 60 trường đại học Trung Quốc chịu sự giám sát của Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ, và Công nghiệp Quốc phòng của Trung Quốc.
Big Tech nhắm mắt trước các vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc
Ông Thiel cũng cho biết ông đã nói chuyện với những người trong cuộc của Google và được biết rằng công ty tìm kiếm internet khổng lồ này đã quyết định hợp tác với Trung Quốc bởi vì “họ nghĩ rằng họ có thể cung cấp công nghệ này ra bên ngoài cũng được, bởi vì nếu họ không cung cấp nó, thì dù sao nó cũng sẽ bị đánh cắp.”
Trong một cuộc trò chuyện khác với một số “người của Google”, ông Thiel cho biết ông đã hỏi liệu công nghệ trí tuệ nhân tạo của Google có bị chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để vận hành các trại tập trung tại vùng viễn tây Tân Cương hay không.
Ông Thiel cho biết ông đã nhận được câu trả lời là: “Chúng tôi không biết và [cũng] không hỏi bất kỳ câu hỏi nào.”
Ông Thiel nói về Google và các công ty công nghệ khác vốn đã chọn cách im lặng về các vấn đề nhất định của Trung Quốc: “Đó là sự kết hợp của những mơ tưởng. Đó là là những kẻ ngốc hữu ích, đó là những cộng tác viên bình luận chính trị thứ năm của ĐCSTQ.”
“Nếu người ta nghĩ về nó [vấn đề của Trung Quốc] về mặt ý thức hệ hoặc về nhân quyền hoặc điều gì đó tương tự, họ bị xúi giục để nói rằng nó chỉ mang tính phân biệt chủng tộc sâu sắc. Giống như nói rằng bởi vì họ trông khác nhau, họ không phải là người da trắng, do đó họ không có quyền giống nhau.”
ĐCSTQ đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, buộc họ phải triệt sản, buộc họ phải phá thai, tra tấn, cưỡng bức lao động và tách trẻ em ra khỏi gia đình của mình. Chính quyền độc tài Trung Quốc đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam giữ, những cơ sở mà ĐCSTQ tự quảng cáo là “các trường đào tạo nghề.”
Ông Thiel nói: “Mặc dù chúng ta đi trước về khoa học cơ bản của trí tuệ nhân tạo, nhưng Trung Quốc đang quyết tâm áp dụng nó để đưa toàn bộ xã hội vào trạng thái giám sát nhận dạng khuôn mặt, mang tính độc tài và xâm phạm hơn nhiều so với cả nước Nga thời Stalin. Đó là điều mà chúng ta không muốn làm.”
Bàn về Facebook, ông Thiel cho biết công ty mạng xã hội khổng lồ này rất khó có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc bởi vì lực lượng nhân viên của họ, nhiều người trong số đó là công dân Trung Quốc. Ví dụ, ông Thiel chỉ ra các cuộc tranh luận giữa các nhân viên của Facebook về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019. Ông nói: “Tất cả nhân viên đến từ Hồng Kông đều ủng hộ các cuộc biểu tình và tự do ngôn luận, nhưng số nhân viên làm việc tại Facebook sinh ra tại Trung Quốc thì nhiều hơn. Những nhân viên Trung Quốc này thực sự cho rằng đó chỉ là sự ngạo mạn của phương Tây và không nên đứng về phía Hồng Kông, và sau đó các nhân viên còn lại tại Facebook hầu như tránh xa nó [cuộc tranh luận]. Tuy nhiên, cuộc tranh luận nội bộ này có cảm giác như [đa số] mọi người thực sự chống Hồng Kông hơn là ủng hộ Hồng Kông.”
Phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông bắt đầu vào tháng 6/2019 khi hàng triệu người xuống đường biểu tình chống lại dự luật dẫn độ sẽ cho phép đưa các nghi phạm ở Hồng Kông đến Trung Quốc đại lục để xét xử. Phong trào này cuối cùng đã biến thành lời kêu gọi lớn hơn cho dân chủ, chẳng hạn như phổ thông đầu phiếu, nhưng các cuộc biểu tình đã lắng xuống vào đầu năm 2020 khi Hồng Kông bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Các quan chức ĐCSTQ và truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả những người biểu tình Hồng Kông là “một số ít người” gồm “những kẻ cực đoan”, “những kẻ bạo loạn”, và và “những kẻ cực đoan bạo lực”, đồng thời ca ngợi rằng “phần lớn người dân Hồng Kông” không ủng hộ phong trào. Hơn nữa, chính quyền cộng sản Trung Quốc cáo buộc các chính phủ phương Tây “can thiệp” vào “công việc nội bộ” của mình khi các quốc gia này lên tiếng ủng hộ những người biểu tình.
Big Tech hợp tác với Trung Quốc cộng sản
Dẫn chứng trường hợp tại Facebook như một ví dụ, ông Thiel cho biết một số công ty công nghệ Hoa Kỳ gặp khó khăn khi đưa ra quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc bởi vì cách họ nhìn nhận chính họ.
“Có điều gì đó về chính trị ‘thức tỉnh’ bên trong các công ty này, khiến họ nghĩ mình không phải là các công ty Mỹ thực sự.”
Để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ, ông Thiel có một khuyến nghị: “Hãy tiếp tục gây áp lực nhất định lên [các công ty công nghệ ở] Thung Lũng Silicon. Chúng ta cần phải kêu gọi mọi người làm điều đó liên tục.”
Ông nói: “Chúng ta cần phải yêu cầu các công ty như Google giải thích tại sao họ lại hợp tác về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với Trung Quốc cộng sản, chứ không phải với quân đội Hoa Kỳ. Tôi nghĩ chúng ta nên gây nhiều áp lực lên Apple về việc hãng này dốc toàn bộ chuỗi cung ứng lực lượng lao động của nó cho việc sản xuất iPhone tại Trung Quốc.“
“Apple là một công ty có sự hiệp đồng thực sự với Trung Quốc.”
Công ty điện thoại thông minh khổng lồ của Mỹ đã đưa ra một số quyết định gây tranh cãi liên quan đến Trung Quốc trong những năm gần đây, bao gồm đưa một số dữ liệu đám mây của mình đến các máy chủ đặt tại Trung Quốc, loại bỏ ứng dụng nguồn cộng đồng HKmap.live ra khỏi cửa hàng ửng dụng (App Store), và Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple được nêu tên là chủ tịch của Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa.
Ứng dụng bản đồ HKmap.live đã trở nên phổ biến đối với những người biểu tình Hồng Kông nhằm tránh đối đầu trực tiếp với cảnh sát Hồng Kông, vốn bị chỉ trích nặng nề vì đối xử bạo lực với những người biểu tình.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa ĐCSTQ Big Tech Peter Thiel