Nhiều nước phản đối việc WHO loại Đài Loan khỏi Đại hội đồng Y tế Thế giới
- Tư Vân
- •
Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 76 đang diễn ra, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đi đầu phản đối, nên Đài Loan một lần nữa bị loại. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… đã nhấn mạnh tại hội nghị rằng xưng hô “chúng tôi” của WHO phải bao gồm đồng minh có giá trị là Đài Loan; trong khi Trung Quốc chỉ trích đó là “cường điệu hóa”...
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, dưới sự phản đối của Trung Quốc và Pakistan, cuộc họp toàn thể của WHA đã không thể thông qua đề xuất mời Đài Loan tham gia với tư cách quan sát viên. Nhưng sau đó đại diện của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Cộng hòa Séc, Canada, Guatemala… đã tận dụng thời gian phát biểu 3 phút quý giá để phát biểu ủng hộ Đài Loan.
Trung Quốc và Mỹ đồng thời sử dụng Quyền trả lời (Right of reply) để tranh luận trong việc cho Đài Loan tham gia WHA. Ngoài việc đại diện Nga nhiều lần thực hiện quyền trả lời để phản đối các cáo buộc y tế và nhân đạo do chiến tranh Nga xâm lược Ukraine gây ra, việc mời Đài Loan tham gia WHA đã trở thành tâm điểm của phiên họp toàn thể.
Bộ trưởng Y tế Mỹ Xavier Becerra cho biết trong một bài phát biểu, rằng mặc dù tình trạng khẩn cấp COVID-19 đã qua nhưng thế giới vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những thách thức về ma túy, biến đổi khí hậu và các dịch bệnh trong tương lai. Ông nói: “Chúng ta đã nắm tay đối mặt với các mối đe dọa và cùng nhau đạt được các mục tiêu đầy tham vọng, chúng ta có thể làm lại điều đó. Còn ‘chúng ta’ ở đây bao gồm các bên liên quan có tính xây dựng và có thể đóng một vai trò nào đó. Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào WHA cũng như công việc rộng lớn hơn của WHO”.
Thứ trưởng Edwin Eduardo Montufar Velarde của Bộ Y tế Guatemala đã kết thúc bài phát biểu rằng thay mặt Chính phủ Guatemala, đặc biệt là Tổng thống Alejandro Giammattei – người đã đến thăm Đài Loan vào tháng 4, cảm ơn sự hỗ trợ liên tục của các đối tác quốc tế, chẳng hạn như Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Ông tin rằng Đài Loan là đồng minh quý giá và sự hợp tác giữa hai bên đã mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của người dân Guatemala.
Trung Quốc không hài lòng với việc nhiều nước lên tiếng ủng hộ Đài Loan, yêu cầu thực hiện quyền trả lời và đã dùng bài phát biểu dài hơn 3 phút để chỉ trích gay gắt các nước “thổi phồng”, “dùng Đài Loan để khống chế Trung Quốc”, và một lần nữa nhấn mạnh “nguyên tắc một Trung Quốc”. Đại diện của Trung Quốc nói rằng “Chính quyền Đảng Dân chủ Tiến bộ của Đài Loan đòi độc lập là đặt các mưu đồ chính trị lên trên lợi ích của người dân, Trung ương ĐCSTQ đã có những sắp xếp thích hợp cho khu vực Đài Loan”.
Ngay sau đó, đại diện của Mỹ thực hiện quyền phản hồi đối với Trung Quốc, qua đó nhấn mạnh theo mục đích của WHO thì điều quan trọng khi điều phối công tác y tế toàn cầu là phải bao gồm tất cả các bên liên quan, đặc biệt là bên có kinh nghiệm hàng đầu trong việc chống COVID-19 hiệu quả. Do đó, Mỹ sẽ duy trì chính sách lâu dài của mình trong việc hỗ trợ Đài Loan tham gia có ý nghĩa vào các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới.
Trước đó, đại diện của Nhật Bản, Anh, Pháp, Cộng hòa Séc và Canada đều đề cập đến Đài Loan, chỉ ra rằng Đài Loan có năng lực y tế xuất sắc và là đối tác quốc tế quan trọng. Để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào công việc của WHO là rất quan trọng. “Đài Loan nên được phép trở thành quan sát viên tại WHA và tham gia có ý nghĩa vào tất cả các cuộc họp kỹ thuật”, Thứ trưởng Will Quince của Bộ Y tế Anh cho biết.
Nghị sĩ Mỹ tức giận và thất vọng
Năm nay, một lần nữa Đài Loan không thể tham gia WHA thường niên do sự cản trở của Trung Quốc. Chính phủ Đài Loan bày tỏ sự không hài lòng và hối tiếc về điều này, còn nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng bày tỏ sự tức giận và thất vọng trước việc WHO phải nhượng bộ Trung Quốc.
Theo Đài VOA Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch – thành viên hàng đầu của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phát biểu: “Thật đáng phẫn nộ khi WHO đã loại Đài Loan khỏi cuộc họp thường niên của tổ chức này trước sự phản đối của Trung Quốc. Đài Loan là một đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe toàn cầu và nên được đưa vào các cuộc thảo luận này”.
Nghị sĩ Dân chủ Chrissy Houlahan bang Pennsylvania cho biết: “WHO đang thiếu một lớp khả năng phục hồi khác trong an ninh y tế công cộng toàn cầu bằng cách không cho phép Đài Loan quan sát WHA. Chúng ta không thể để sự phản đối của Trung Quốc làm tổn hại đến hệ thống y tế toàn cầu”.
Dân biểu Cộng hòa John Curtis, người luôn ủng hộ việc Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc các quan chức WHO một lần nữa cúi đầu trước ĐCSTQ. Trong dòng tweet của mình, ông nói rằng Quốc hội Mỹ đang hành động để đối phó với ảnh hưởng của ĐCSTQ trong các tổ chức quốc tế. Vào tuần trước, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí để thông qua Đạo luật Đoàn kết Quốc tế Đài Loan (Taiwan International Solidarity Act) do ông khởi xướng, đó là luật nhằm chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan trong các tổ chức quốc tế.
Bộ Ngoại giao Đài Loan phản đối
Kể từ khi Đảng Dân chủ Tiến bộ (DDP) lên nắm quyền Đài Loan, năm nay là lần thứ 7 Đài Loan bị từ chối tham gia WHA. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ “sự tiếc nuối và không hài lòng” với quyết định của WHA.
Tuyên bố cho biết đại diện của các nước thân thiện với Đài Loan như Belize, Nauru, Quần đảo Marshall và Eswatini… đã bác bỏ những ngụy biện mà Trung Quốc đưa ra trong cuộc tranh luận, đồng thời cho rằng Trung Quốc và các đại diện được Trung Quốc huy động như Cuba và Pakistan đã cố tình chống lại Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Nghị quyết 25.1 của WHA, theo đó đã đưa ra diễn giải chính trị sai lầm và méo mó, tuyên bố tùy tiện rằng sự đồng ý của Trung Quốc là cần thiết để Đài Loan tham gia quốc tế.
Tuyên bố cũng cho biết việc Đài Loan tham gia WHA “là vấn đề sức khỏe toàn cầu, không được phép để chính trị trùm lên chuyên môn, việc loại Đài Loan do áp lực chính trị của Trung Quốc không chỉ là bất công mà còn đặt ra đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu”. Bộ Ngoại giao Đài Loan “vô cùng phẫn nộ” trước hành động của Trung Quốc, nhấn mạnh sẽ tiếp tục hợp tác với các nước thân thiện và các nước có cùng tư tưởng, đồng thời tiếp tục kêu gọi WHO chấp nhận cho Đài Loan tham gia WHA với tư cách quan sát viên, được thường xuyên tham gia tất cả các cuộc họp, hoạt động và cơ chế của WHO.