Những yếu tố có thể đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce
- Phan Anh
- •
Ngân hàng Citi (Mỹ) dự báo rằng giá vàng có thể tăng vọt lên 3.000 USD/ounce trong vòng 12 đến 18 tháng tới nếu xảy ra một trong ba yếu tố sau.
Ông Aakash Doshi, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của Citi, dự báo giá vàng có thể tăng khoảng 50% nếu các ngân hàng trung ương tăng mạnh mua kim loại này, xảy ra lạm phát hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện giá vàng đang giao dịch ở mức 2.016 USD/ounce.
Cơn sốt vàng của ngân hàng trung ương
Theo các nhà phân tích của Citi, điều khiến giá vàng có thể tăng lên 3.000 USD/ounce chính là việc các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi nhanh chóng phi đô la hóa, từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào USD.
Theo ông Doshi, điều đó có thể tăng gấp đôi lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương. Hiện nay nhu cầu vàng chủ yếu là do hoạt động mua vàng dưới dạng trang sức.
Citi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu hoạt động mua vàng, trong đó Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng miếng.
Hội đồng Vàng Thế giới báo cáo vào tháng 1 rằng các ngân hàng trung ương thế giới đã duy trì hai năm liên tiếp mua hơn 1.000 tấn vàng.
Ông Doshi nhận định rằng: “Nếu con số đó tiếp tục tăng gấp đôi rất nhanh lên 2.000 tấn, chúng tôi nghĩ rằng điều đó thực sự sẽ làm giá vàng tăng”.
Tình trạng suy thoái toàn cầu
Một yếu tố khác có thể đẩy vàng lên mức 3.000 USD/ounce là suy thoái kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất nhanh chóng.
Ông Doshi nói: “Điều đó có nghĩa là lãi suất bị cắt giảm, không phải xuống mức 3% mà mức 1% hoặc thấp hơn. Động thái này sẽ đưa giá vàng lên 3.000 USD”. Dù vậy, ông lưu ý rằng đây là một kịch bản có xác suất thấp.
Giá vàng có xu hướng có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, vốn sẽ mang lại lợi nhuận yếu hơn trong môi trường lãi suất thấp.
Lãi suất chuẩn của FED đã ở mức từ 5,25% đến 5,5% kể từ tháng 7/2023, mức cao nhất kể từ tháng 1/2001 khi lãi suất tăng vọt lên 6% sau vụ bong bóng dot-com. Thị trường dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Lạm phát kết hợp với suy thoái
Lạm phát kèm suy thoái là tình trạng mà lạm phát ngày càng tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Đây có thể là một nguyên nhân khác, mặc dù ông Doshi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản như vậy là rất thấp.
Vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn và có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ kinh tế bất ổn trong bối cảnh các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.
Bỏ ba yếu tố tiềm năng này sang một bên, Citi cho rằng dự báo cơ bản đối với vàng thỏi là 2.150 USD/ounce vào nửa cuối năm 2024 và giá vàng trung bình sẽ hơn 2.000 USD một chút trong nửa đầu năm. Theo ông Doshi, kỷ lục mới của giá vàng có thể đạt được vào cuối năm 2024.
Phan Anh
Video: Đạo trị quốc: Đức kém, tài mọn mà ở ngôi cao ắt gây họa
Từ khóa giá vàng thế giới Dòng sự kiện