Theo kết quả khảo sát mới công bố của một tổ chức nghiên cứu kinh doanh phi lợi nhuận, niềm tin về nền kinh tế Mỹ tăng 5,5 điểm trong tháng Tám, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2000.

nguoi-tieu-dung-My
Người tiêu dùng trong một siêu thị ở Mỹ. (Ảnh: Samira Bouaou/Epoch Times)

Conference Board – một tổ chức thành viên kinh doanh và nghiên cứu phi lợi nhuận tập hợp khoảng 1.200 doanh nghiệp công, tư và các tổ chức khác tại 60 nước, hôm 28/8 đã công bố cuộc khảo sát hàng tháng về người tiêu dùng Mỹ cho thấy niềm tin của họ với tình hình kinh tế Mỹ hiện tại tăng thêm 6,1 điểm, trong khi kỳ vọng cho tương lai tăng 5,2 điểm. Chỉ số niềm tin kỳ vọng vào nền kinh tế Mỹ tương lai có giảm nhẹ so với tháng Sáu và tháng Bảy.

Khảo sát của Conference Board cũng chỉ ra rằng những người tuyên bố các điều kiện kinh doanh là “tốt” tăng từ 38,1% lên 40,3%, trong khi những người nói điều kiện kinh doanh là “xấu” giảm từ 10,3% xuống 9,1%.

Quan điểm của người tiêu dùng Mỹ đối với thị trường lao động cũng tốt hơn. Những người cho rằng việc làm đang “dồi dào” vẫn duy trì như trước, trong khi những người nói việc làm đang “khó kiếm” giảm khoảng 2 điểm.

Chính phủ Trump đang đàm phán một thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và hôm 27/8 tổng thống Mỹ và Mexico đã thông báo về việc hai nước đã đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ. Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong ngày 28/8 đã có cuộc điện đàm quan trọng, theo đó hai vị lãnh đạo này đã đồng ý tiếp tục thảo luận về thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế Mỹ trong tương lai thấp hơn thời điểm hiện tại có thể do sự không chắc chắn về các thỏa thuận thương mại và chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước vẫn đang leo thang.

Theo Epoch Times, các nhà phân tích của Wells Fargo nhận định: “Sự khác biệt đang tăng lên giữa đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện kinh tế hiện tại và sự kỳ vọng của họ vào tương lai một phần phản ánh sự không chắc chắn xoay quanh các cuộc đàm phán và tranh chấp thương mại đang tiếp diễn”.

Mặc dù có những bất ổn này, chúng tôi cho rằng niềm tin của người tiêu dùng [Mỹ] sẽ vẫn tăng trong tháng Tám, tuy vậy chúng tôi dự đoán sự khác biệt giữa các điều kiện hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục mở rộng theo các chu kỳ kinh tế này”, các chuyên gia của Wells Fargo nói thêm.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát về tâm lý của người tiêu dùng Mỹ do trường Đại học Michigan thực hiện cho thấy một bức tranh hơi khác với số liệu trong báo cáo của Conference Board. Số liệu của Đại học Michigan về tâm lý tiêu dùng tháng Tám chỉ ra sụt giảm 2,6 điểm so với tháng Bảy và giảm 1,5 điểm so với tháng 8/2017.

Số liệu nêu trên phản ánh nhận thức của người tham gia trả lời khảo sát về giá cả tăng cao đối với các hàng hóa lâu bền như đồ gia dụng và các phương tiện, theo đánh giá viết trong báo cáo.

Kinh tế trưởng về khảo sát tiêu dùng của Đại học Michigan, ông Richard Curtin viết trong báo cáo mới công bố: “Đây là những thay đổi bất thường về nhận thức về giá mà người tiêu dùng [Mỹ] vào đầu tháng 8 dự đoán tỷ lệ lạm phát trong năm nay khoảng 2.9%, không thay đổi so với tháng trước. Số liệu này cho thấy người tiêu dùng [Mỹ] đã trở nên nhạy cảm hơn nhiều ngay cả khi tỷ lệ lạm phát [tại Mỹ] vẫn tương đối thấp so với vài thập kỷ qua”.

Yên Sơn

Xem thêm: