Ông Dư Mậu Xuân: Nguy cơ Đài Loan cũng là nguy cơ toàn cầu
- Hạ Trân
- •
Gần đây, chuyên gia về Trung Quốc Dư Mậu Xuân (Miles Yu) đã công bố một bài viết trên Liberty Times, để nhắc nhở rằng Trung Hoa Dân Quốc của Đài Loan luôn là cái gai trong mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông cảnh báo nguy cơ Đài Loan cũng là nguy cơ toàn cầu.
Vai trò đáng chú ý trước đây của ông Dư Mậu Xuân là cựu cố vấn trưởng về chính sách Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, còn hiện nay ông là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson (Mỹ).
Qua bài cảnh báo đáng chú ý trên Liberty Times, chuyên gia về Trung Quốc này lưu ý cộng đồng quốc tế rằng ĐCSTQ trong hơn 70 năm qua luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải giải phóng Đài Loan và loại bỏ Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũ, việc ĐCSTQ trắng trợn tuyên bố giải phóng Đài Loan để đưa cách mạng cộng sản đi đến cùng đã thành trò lỗi thời, vì vậy thay vào đó ĐCSTQ giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, biến khẩu hiệu giải phóng Đài Loan trước đây thành mặt trận tuyên truyền thống nhất tổ quốc. Nhưng Đài Loan đã trải qua thay đổi mang tính cách mạng, thiết lập nên xã hội dân chủ hiện đại triệt để đầu tiên trong khu vực văn hóa nói tiếng Hoa, qua đó nêu cao tự do, đa nguyên và nhân quyền.
Ông Dư Mậu Xuân chỉ ra, trong cấu trúc chiến lược toàn cầu thì tình hình ở eo biển Đài Loan trải qua những thay đổi mang tính cách mạng nhất, đặc biệt là trong 6 – 7 năm qua. Bản chất của thay đổi này là khả năng phòng thủ của Đài Loan đã vượt xa tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, mang ý nghĩa vượt xa phạm vi địa lý chật hẹp của eo biển Đài Loan, thậm chí còn vượt ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, có thể nói đã trở thành chủ đề trọng điểm của trật tự toàn cầu và an ninh thế giới.
Đối với Mỹ, Đài Loan luôn là một trong những chìa khóa thuộc chiến lược chống cộng sản toàn cầu, do đó bảo vệ Đài Loan hiện nay cũng quan trọng như bảo vệ Tây Berlin trước đây (thời nước Đức chia thành Tây Đức tư bản và Đông Đức cộng sản). Do đó, Mỹ luôn nhất quán kiên quyết phản đối cuộc xâm lược quân sự của ĐCSTQ vào Đài Loan. Ngay cả sau khi chấm dứt Hiệp ước phòng thủ chung giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm 1980, Mỹ đã hứa sẽ đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Loan. Dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) và một loạt các mệnh lệnh hành pháp của tổng thống và các tuyên bố chính sách quan trọng, chính phủ Mỹ và các thế hệ tổng thống Mỹ chưa bao giờ từ bỏ cam kết ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng vũ lực quân sự xâm lược Đài Loan.
Ông Dư Mậu Xuân nhấn mạnh tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ kể từ Tổng thống Carter đến nay đều có chiến lược nhất quán để quân đội Mỹ bảo vệ Đài Loan, chưa bao giờ có bất kỳ “mơ hồ chiến lược” nào. Hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan trong hơn 70 năm qua là lợi ích từ rõ ràng chiến lược nhất quán của Mỹ, không có vấn đề “mơ hồ chiến lược”.
Những năm gần đây ĐCSTQ đã nhấn mạnh chính sách chuẩn bị quân sự để “thống nhất Đài Loan”. Tổng thống Mỹ Joe Biden đương nhiệm đã nhiều lần tuyên bố Mỹ chắc chắn sẽ can thiệp quân sự chống lại cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ. Người phát ngôn của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào gọi là sửa đổi nhận xét của tổng thống. Ngược lại, tất cả các tuyên bố công khai của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ luôn khẳng định thêm quyết tâm và ý định chiến lược của tổng thống về việc sẵn sàng can thiệp quân sự trong bảo vệ Đài Loan, vì khuôn khổ quan hệ Mỹ-Trung Quốc-Đài Loan trong thỏa thuận song phương Mỹ – Trung Quốc đạt được những năm 1970 có quy định rõ ràng: không bên nào được dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trong vấn đề eo biển Đài Loan, đảm bảo mọi giải pháp giải quyết đều phải được nhân dân hai bên bờ eo biển nhất trí. Quan điểm đó luôn được thống nhất cao độ mà không bao giờ có vấn đề mơ hồ trong các thế hệ tổng thống Mỹ, Nhà Trắng và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Dư Mậu Xuân nói rằng mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan cũng ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo chính trị của Nhật Bản và Úc tuyên bố rõ: Đài Loan có vấn đề [xâm lược từ Trung Quốc] thì đó cũng là vấn đề của Nhật Bản, cũng là vấn đề của Úc; còn Philippines có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông cũng rất lo lắng về tham vọng của ĐCSTQ đối với Đài Loan, đã quyết tâm sát cánh với đồng minh Mỹ, theo đó cho quân đội Mỹ quyền đồn trú quân đội và vũ khí tại quần đảo chiến lược của Philippines để đối phó với cuộc khủng hoảng quân sự ở eo biển Đài Loan; còn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng đã nói rằng vấn đề Đài Loan hoàn toàn không phải vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu.
Ông Yoon Suk-yeol còn lưu ý rằng châu Âu cũng quan tâm cho năng lực phòng thủ của Đài Loan. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, lấy an ninh châu Âu làm nhiệm vụ hàng đầu, đã cho biết vấn đề phòng thủ của Đài Loan cũng nên xem là một trong những nghĩa vụ phòng thủ của NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần tuyên bố rằng hòa bình ở eo biển Đài Loan cũng là vấn đề của NATO.
Vào thời điểm khả năng xâm lược quân sự của ĐCSTQ vào Đài Loan đang là tâm điểm của dư luận quốc tế, Tổng thư ký NATO và Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã thường gặp nhau thảo luận về các vấn đề phòng thủ chung của Đài Loan. Giám đốc đối ngoại Josep Borrell của Liên minh châu Âu cuối tháng 4 cũng có bài viết trên truyền thông Pháp, đề xuất hải quân các nước EU cần cử tàu chiến tuần tra chiến lược ở eo biển Đài Loan để thể hiện quyết tâm của EU trong bảo vệ Đài Loan. Ông cho hay, do đe dọa ngày càng tăng của ĐCSTQ đối với Đài Loan trong những năm gần đây, giới lập pháp và chính khách một số nước EU quan trọng như Pháp, Đức, Litva, Cộng hòa Séc, Ba Lan… đã đến thăm Đài Loan để thể hiện đoàn kết chính trị. Ngay cả một số luận điệu kiểu ôn hòa thỏa hiệp của Tổng thống Pháp Macron cũng bị chỉ trích và bác bỏ không thương tiếc trên các diễn đàn công khai ở châu Âu.
Cựu cố vấn trưởng về chính sách Trung Quốc này chỉ ra vấn đề phòng thủ của Đài Loan được quốc tế hóa không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề liên quan đến hòa bình thế giới, điều này được cảnh báo rõ nhất mới đây qua cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine.
Không nghi ngờ gì, bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan và hiện trạng của nền độc lập tự trị của Đài Loan là có ý nghĩa toàn cầu. Vấn đề này được ông Dư Mậu Xuân lưu ý: “Thực ra điều này rất rõ ràng: chiếm Đài Loan hoàn toàn không phải là mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ, cuộc chiến vào Đài Loan chỉ là bước đi đầu tiên trong tham vọng thống trị thế giới của ĐCSTQ”.
Vì rất khó tin việc ĐCSTQ dùng nhiều thập niên bằng mọi giá mở rộng sức mạnh quân sự trên mọi phương diện, chỉ sử dụng để đối phó với Đài Loan. Lực lượng quân sự công nghệ cao và năng lượng cao của Trung Quốc hiện nay đang để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh toàn cầu. Hãy nhìn đội hải quân viễn dương, lực lượng răn đe và tấn công chiến lược toàn cầu, khả năng chỉ huy và kiểm soát không gian, cũng như việc giành và kiểm soát các cứ điểm và hải cảng chiến lược toàn cầu diễn ra quy mô lớn của ĐCSTQ hoàn toàn không phải chỉ để thống nhất Đài Loan, điều đó phản ánh chiến lược an ninh toàn cầu mới của ĐCSTQ.
Vì điều đó, cộng đồng quốc tế ý thức rõ hơn về tham vọng và mục đích chiến lược quân sự toàn cầu của ĐCSTQ, qua đó ý thức bảo vệ Đài Loan là trận chiến đầu tiên đánh bại chiến lược quân sự toàn cầu của ĐCSTQ. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến NATO, Mỹ và các lực lượng liên minh quân sự và lực lượng vũ trang khác rất quan tâm đến khả năng phòng thủ của Đài Loan. Có thể nói chính ĐCSTQ đã quốc tế hóa vấn đề phòng thủ của Đài Loan.
Cần lưu ý Đài Loan nằm ở tuyến đường chiến lược quan trọng, là nơi cần thiết của kênh thương mại trọng điểm toàn cầu tiếp giáp với chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, trong khi ĐCSTQ có tham vọng kiểm soát các kênh thương mại quan trọng nhất thế giới. Vì vậy nếu ĐCSTQ chiếm được Đài Loan sẽ là tai họa chí mạng liên quan các tuyến thương mại quốc tế trọng yếu như Biển Đông, Biển Hoa Đông và thậm chí cả eo biển Malacca – vấn đề mà các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Liên minh châu Âu đều không bao giờ muốn xảy ra.
Bên cạnh đó, ý nghĩa quan trọng nữa của việc ngăn chặn ĐCSTQ xâm lược Đài Loan nằm ở chỗ bảo vệ các giá trị phổ quát và dân chủ hóa toàn cầu. Dĩ nhiên Đài Loan luôn rất quan trọng cho nền kinh tế và công nghệ toàn cầu, vì Đài Loan sở hữu nhiều lĩnh vực then chốt của chuỗi cung ứng toàn cầu, tiêu biểu như chất bán dẫn và y sinh…. Do đó bảo vệ Đài Loan cũng là cuộc chiến bảo vệ thế giới liên quan đến bảo vệ chuỗi cung ứng quốc tế và công nghệ cao toàn cầu.
Tóm lại, vấn đề của Đài Loan hiện nay cũng là vấn đề của toàn cầu, nguy cơ Đài Loan cũng là nguy cơ toàn cầu!
Từ khóa Đài Loan eo biển Đài Loan Trung Quốc tấn công Đài Loan Dư Mậu Xuân