Các thẩm phán tại Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với Tổng thống Syria Bashar Assad và các quan chức cấp cao khác trong chính phủ của ông về tội ác sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh vào tháng 8/2013.

Tong thong Syria Bashar Assad
Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong buổi ký kết chương trình hợp tác chiến lược và dài hạn giữa Iran và Syria vào ngày 3 tháng 5 năm 2023 tại Damascus, Syria (Nguồn ảnh: Borna News/Matin Ghasemi/Aksonline ATPImages/Getty Images)

Theo báo cáo hôm thứ Tư (15/11) của Reuters và các kênh truyền thông khác, lệnh bắt giữ của Pháp cáo buộc ông Assad, anh trai của ông là Maher Assad và 2 tướng Syria đồng lõa với tội ác chống lại loài người vì vai trò của họ trong một cuộc nội chiến đẫm máu khiến hơn 1.000 thường dân thiệt mạng tại các khu vực do phiến quân nắm giữ ở Douma và Đông Ghouta.

Syria trước đây từng là xứ ủy trị thuộc Pháp. Paris tuyên bố họ có quyền tài phán trên toàn thế giới đối với các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Các phương tiện truyền thông đưa tin hôm 15/11 đã viện dẫn một nguồn tư pháp không xác định. Kể từ năm 2021, một tòa án của Pháp đã điều tra các vụ tấn công tại Syria vào năm 2013 và lệnh bắt giữ của tòa án này đánh dấu cáo buộc quốc tế đầu tiên về vụ việc. Cuộc điều tra được thực hiện nhằm đáp lại khiếu nại hình sự của Trung tâm Tự do và Biểu đạt Truyền thông Syria (SCM) và Sáng kiến Công lý Xã hội Mở (OSJI), một đơn vị do Tổ chức Xã hội Mở của tỷ phú cánh tả George Soros sáng lập.

Chủ tịch SCM Mazen Darwish gọi lệnh này là “một chiến thắng mới cho các nạn nhân, gia đình của họ và những người sống sót”, cũng như là “một bước tiến trên con đường dẫn đến công lý và hòa bình bền vững ở Syria”. Tổng thống Assad nhiều lần phủ nhận cáo buộc của phương Tây rằng ông đã sử dụng chất độc sarin và các loại vũ khí hóa học khác để tấn công người dân của mình.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Barack Obama đã cố gắng dùng các cuộc tấn công năm 2013 để biện minh cho việc can thiệp quân sự vào Syria. Một phóng viên đã hỏi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lúc ấy về cách Syria có thể tránh được chuyện này. Ông Kery trả lời rằng ông Assad sẽ phải giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học của mình và cho phép quốc tế được tự do điều tra, điều này đã không xảy ra.

Vào năm 2017 và 2018, chính phủ Syria một lần nữa bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Để đáp trả, Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào chính phủ Syria. Lực lượng Pháp và Anh đã tham gia vào các cuộc tấn công sau đó. Một số “người tố giác” đã cáo buộc rằng Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã giả mạo một báo cáo được sử dụng sau sự việc này để biện minh cho các cuộc tấn công tên lửa năm 2018 của phương Tây.

Chế độ của ông Assad đã bị lôi kéo vào một cuộc nội chiến với quân nổi dậy được Mỹ và các chính phủ nước ngoài khác hậu thuẫn kể từ năm 2011. Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các khu vực do quân nổi dậy nắm giữ, phần lớn nhờ vào sự giúp đỡ của các lực lượng Nga và Iran. Quân đội Mỹ đã chiếm đóng các khu vực nhiều dầu mỏ ở phía đông bắc Syria kể từ năm 2014.

Vy An (Theo RT)