Pháp Luân Công kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp của ĐCSTQ bên ngoài Liên Hợp Quốc
- Lâm Đan
- •
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78 đã khai mạc tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 19/9. Hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã đến Quảng trường Dag Hammarskjold bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) để thỉnh nguyện hòa bình, vạch trần cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công trong suốt 24 năm qua, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước giúp đỡ ngăn chặn cuộc bức hại vẫn đang diễn ra này.
Trong thời gian khóa họp này, các nguyên thủ quốc gia và đại diện cấp cao của 193 quốc gia thành viên LHQ đã tập trung tại Trụ sở LHQ ở New York.
Trả lời phỏng vấn, bà Dịch Dung, người phụ trách Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp New York, cho biết: “Vào dịp hội nghị thượng đỉnh của LHQ hàng năm, các học viên Pháp Luân Công đều đến bên ngoài Trụ sở LHQ để nói sự thực cho các quan chức, đại diện LHQ và nhân viên công tác từ nhiều quốc gia khác nhau. Mọi người đều thấy rằng Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện ôn hòa và tốt đẹp. Các học viên Pháp Luân Công cũng là những người thỉnh nguyện ôn hòa nhất. Cảnh sát và người dân địa phương yêu mến Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công cũng có mặt ở đây để vạch trần sự dối trá và cuộc đàn áp của ĐCSTQ cho người dân và các nhà lãnh đạo cũng như đại diện trên khắp thế giới biết. Tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia có thể giúp chấm dứt cuộc bức hại, và một ngày nào đó người dân Trung Quốc cũng có thể tự do tập luyện Pháp Luân Đại Pháp như người dân ở các quốc gia khác.”
Các học viên Pháp Luân Công cũng tổ chức tuần hành ô tô “Đả đảo ác ma Trung Cộng” (End CCP) và thu thập chữ ký ở các đường phố xung quanh. Trên thân xe có các biển trưng bày với các biểu ngữ như “Chủ nghĩa Cộng sản khiến mọi người gặp nguy hiểm” và “Trời diệt Trung Cộng”.
Vợ của một kỹ sư địa chất cấp cao tại mỏ dầu Thắng Lợi yêu cầu ĐCSTQ thả chồng bà
Các học viên Pháp Luân Công có người thân trong gia đình bị ĐCSTQ bắt cóc và kết án bất hợp pháp đã đến LHQ để vạch trần cuộc đàn áp của ĐCSTQ với thế giới, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho người thân của họ.
Học viên Pháp Luân Công Vưu Linh và chồng là Chu Đức Dũng, kỹ sư địa chất cao cấp tại Mỏ dầu Thắng Lợi, tỉnh Sơn Đông. Họ đã đến Mỹ để thăm người thân vào cuối năm 2019, nhưng do dịch bệnh nên họ mắc kẹt ở Mỹ một thời gian. Tháng 10 năm 2020, ông Chu Đức Dũng bay về Trung Quốc, chưa đầy nửa năm sau khi về nước, ông bị ĐCSTQ bắt cóc vào ngày 23/4/2021. Vào thời điểm đó, hơn 20 học viên Pháp Luân Công và gia đình của họ ở Mỏ dầu Thắng Lợi đã bị bắt cóc chỉ trong một ngày.
Vợ và con của ông Chu Đức Dũng ở Mỹ đã tổ chức giải cứu chồng, 8 thượng nghị sĩ và đại diện liên bang đã cùng nhau gửi thư đến Bộ Ngoại giao Mỹ, hy vọng có thể giúp ông Chu Đức Dũng giành được tự do.
Bà Vưu Linh phát biểu trước trụ sở LHQ: “Tôi đến Liên Hợp Quốc vì tôi muốn vạch trần việc chồng tôi bị bức hại với thế giới. Chồng tôi tu luyện Pháp Luân Công và tin vào Chân, Thiện, Nhẫn, không có gì sai cả, nhưng anh ấy đã bị kết án 8 năm tù, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh [đến khi chồng mình được trả tự do]. Tôi hy vọng rằng những người tham dự cuộc họp của LHQ sẽ nhìn ra những sự thật này, đứng về phía công lý và lương tâm, ủng hộ Pháp Luân Công và ủng hộ các học viên Pháp Luân Công chống lại cuộc bức hại.”
ĐCSTQ đã bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đến nay đã 24 năm, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công và gia đình họ. Đây là cuộc đàn áp nhân quyền lớn nhất thế giới hiện nay. Theo thống kê từ trang web minghui.org, trong nửa đầu năm nay, có thêm 702 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ kết án bất hợp pháp ở Trung Quốc, bao gồm các tinh hoa của xã hội như giáo sư đại học, giáo viên, công chức quốc gia, kỹ sư cao cấp, kế toán, nhà thiết kế, họa sĩ, bác sĩ, doanh nhân, v.v, người lớn tuổi nhất là 88 tuổi, mức án tù cao nhất là 14 năm.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, từ ngày 20/7/1999 đến tháng 6 năm nay, tổng số học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết được ghi nhận đã vượt quá 5.000 người. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay đã có 120 học viên Pháp Luân Công đã được ghi nhận là đã qua đời do bị bức hại. Trên đây chỉ là các trường hợp có thể thống kê được.
Học viên Pháp Luân Công: Thế giới không nên im lặng
Cô Tôn Học Chí, một học viên Pháp Luân Công, cho biết mẹ cô là bà Lưu Đoan Huệ, 68 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt cóc ở Đại Liên vào ngày 19/8 năm nay và bị Tòa án Kiến Tam Giang xét xử bí mật trái pháp luật vào ngày 25/8.
Cô Tôn Học Chí kể lý do tại sao mẹ cô nhất quyết tu luyện Pháp Luân Công: “Theo như tôi có thể nhớ, mẹ tôi phải đội mũ quanh năm, và bà không thể bỏ mũ ra ngay cả trong mùa hè, vì bỏ ra thì đầu bà sẽ đau dữ dội. Hơn nữa, hễ làm việc mệt là bà ngất xỉu. Ba đứa trẻ chúng tôi nằm trên người mẹ và khóc. Hình ảnh này vẫn còn trong tâm trí tôi cho đến ngày nay. Sau khi mẹ tôi tập Pháp Luân Công, mọi bệnh tật của bà đều biến mất. Lần đầu tiên khi mẹ bỏ mũ ra, mẹ hào hứng nói: ‘Mẹ chưa bao giờ cảm thấy sảng khoái đến thế’. Bây giờ mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Công, làm người tốt chiểu theo tiêu chuẩn Chân, Thiện, Nhẫn, không bao giờ lừa dối khách hàng khi làm ăn, luôn thiện lương và quan tâm đến người khác. Hàng ngàn học viên Pháp Luân Công như mẹ tôi đã bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp, bức hại và bỏ tù. Tôi yêu cầu ĐCSTQ thả mẹ tôi ngay lập tức.”
Cô nói: “Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới cùng nhau chống lại cái ác và loại bỏ ĐCSTQ – khối u tà ác này. ĐCSTQ không chỉ đàn áp người dân Trung Quốc mà còn mang đến khủng hoảng cho toàn thế giới. Thế giới không nên im lặng hoặc thờ ơ trước cuộc đàn áp nhân quyền lớn nhất, nên đuổi ĐCSTQ – kẻ côn đồ nhân quyền ra khỏi LHQ, các nước trên thế giới nên áp dụng các biện pháp trừng phạt ĐCSTQ.”
Bản thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công bên ngoài LHQ và cuộc Tuần hành bằng ô tôi “Đả đảo Trung Cộng” (End CCP) sẽ tiếp tục cho đến ngày 23/9. Theo trang web EndCCP.com, tính đến ngày 19/9, người dân từ khắp nơi trên thế giới đã ký tên vào sáng kiến “Đả đảo ác ma Trung Cộng” với hơn 3,864 triệu chữ ký.
Từ khóa Dòng sự kiện ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công Đại Hội đồng LHQ cuộc bức hại pháp luân công