Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Macron đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại kéo dài 2 giờ đồng hồ hôm Thứ Ba, cuộc nói chuyện lần đầu kể từ tháng 9/2022. Nội dung chủ yếu về xung đột ở Iran và Ukraine. Ông Macron từng chia sẻ rằng “chúng ta sẽ không tiếp tục mãi việc leo thang và tăng cường vũ trang”“chúng ta cần suy nghĩ lại” về cấu trúc an ninh, cần đàn phán với Nga.

macron putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải), và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) khi tới Điện Versailles, ngày 29/5/2017 (nguồn ảnh STEPHANE DE SAKUTIN/AFP/Getty Images)

Người đứng đầu Nga và Pháp, Vladimir Putin và Emmanuel Macron, đã có cuộc điện đàm hôm Thứ Ba, 1 tuần sau sự kiện 12 ngày bom Mỹ oanh tạc các cơ sở hạt nhân của Iran với tuyên bố thành công vang dội từ phía Mỹ, và cũng là vào thời điểm chiến tranh Ukraine vẫn tiếp diễn đồng thời Nga tuyên bố kèm tổ chức ăn mừng việc lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Luhansk đã được “giải phóng” hoàn toàn.

Về Ukraine

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã nói với người đồng cấp Macron rằng cuộc xung đột ở Ukraine chính là “một kết quả trực tiếp của quyết sách mà các quốc gia phương Tây vẫn theo đuổi, mà trong nhiều năm đó phương Tây đã lờ đi vấn đề quyền được bảo đảm an ninh của Nga,” theo truyền thông Nga đưa tin, dẫn nguồn công bố báo chí của Điện Kremlin.

Ông Putin đã nhắc lại quan điểm lâu nay của Moskva, và nhấn mạnh rằng ông muốn một giải pháp “toàn diện và lâu dài, giải quyết gốc rễ bài toán này, và dựa trên tình trạng thực tế về lãnh thổ.”

Ông Macron một lần nữa nhắc lại rằng Pháp “nhấn mạnh về ủng hộ kiên định của Pháp đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,”“kêu gọi thiết lập ngừng bắn càng sớm càng tốt,” theo truyền thông Pháp đưa tin, dẫn nguồn công bố báo chí của Điện Elysée.

Ông Macron cũng mong muốn “khởi động các cuộc đàm phán Nga-Ukraine để đạt được lời giải vững và lâu dài cho cuộc xung đột.”

Hôm Thứ Tư tuần trước, khi trả lời phóng viên, ông Macron đã chia sẻ rằng cần dùng ngoại giao để giải quyết vấn đề Ukraine.

“Chúng ta sẽ không tiếp tục mãi việc leo thang và tăng cường vũ trang. Hôm nay chúng ta phải vũ trang cho chính mình vì hiện đang có một khoảng cách giữa cấp độ vũ trang của chúng ta và của Nga. Mà điều đó tạo nên một uy hiếp,” ông Macron đã trả lời phóng viên như vậy.

“Đồng thời, chúng ta nhất định phải tính đến cấu trúc an ninh mà chúng ta cần phải có cho chính mình trong tương lai,” ông Macron nói thêm. “Cho nên chúng ta cần suy nghĩ lại [về cấu trúc an ninh] tại các vùng lãnh thổ, từ Biển Đen cho tới Bắc Cực, để xác định ra rằng chúng ta muốn tiến xa đến đâu để bảo vệ chúng ta, và những điều khoản nào sẽ dùng khi đàm phán với Nga sao cho có thể hạn chế năng lực quân sự đồng thời khôi phục lòng tin.”

Lưu ý rằng mới trước đó không lâu, NATO sau cuộc họp thượng đỉnh tại La Haye (The Hague) đã tuyên bố rằng Nga là “uy hiếp lớn nhất” đối với NATO, kèm theo cam kết tăng ngân sách quân sự lên 5% GDP trong vòng 10 năm.

Mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng các bình luận độc lập phân tích rằng một số quốc gia của NATO tuy cam kết vậy thôi, nhưng trên thực tế sẽ tìm cách kéo dài, trì hoãn, và không thực hiện đầy đủ cam kết. Họ cam kết vậy là để thuận theo mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và mong muốn tăng ngân sách của một số nhà lãnh đạo trong NATO ví như Mark Rutte.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói thẳng rằng trên thực tế họ đều hiểu Nga không phải là uy hiếp chính. Theo ông, uy hiếp chính đối với Châu Âu là thực tế rằng Châu Âu đang mất đi sức cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, thì Tổng thống Pháp Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky, và truyền thông Ukraine miêu tả rằng hai ông Macron và Zelenky đã có cuộc nói chuyện mang tính xây dựng, và ông Macron “đã tóm tắt cho ông Zelensky về chi tiết cuộc trò chuyện của ông với Putin.”

Như tin đã đưa, Tổng thống Nga Putin đã nói với phóng viên và hôm Thứ Sáu tuần trước rằng Nga có dự kiến sẽ giảm chi tiêu quân sự trong những năm tới, giảm ngân sách kể từ 2026.

Về Iran

Về xung đột ở Trung Đông, cả hai vị nguyên thủ quốc gia đều đồng ý chia sẻ “trách nhiệm đặc biệt” cùng duy trì “hòa bình và an ninh,” đồng thời tôn trọng chủ trương “không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.”

“Về vấn đề này, tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền hợp pháp của Tehran trong việc phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình và tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm cả hợp tác với IAEA, đã được nhấn mạnh,” theo công bố về nội dung cuộc họp từ phía Điện Kremlin.

Nhật Tân