Quân Israel liên tiếp cưỡng bức dân Palestine ở Dải Gaza di chuyển về phía Nam đã khiến Liên Hợp Quốc và người Ả-rập đặt câu hỏi phải chăng người Palestine sẽ bị đuổi ra khỏi biên giới.

Palestine Gaza
Người Palestine tìm kiếm người còn sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà sau cuộc tấn công của Israel vào trại al-Maghazi ở trung tâm Dải Gaza hôm 11/12/2023. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Israel phủ nhận rằng họ mang ý đồ xua đuổi người Palestine khỏi lãnh địa đang sinh tồn, và tuyên bố mục tiêu của chiến tranh là để nhổ tận gốc Hamas. Trên thực tế Israel tiến hành tấn công vào người dân Palestine cùng nhà ở của họ tại Dải Gaza. Israel công khai yêu cầu nhiều lần trên các phương tiện truyền thông rằng người Palestine phải sơ tán khỏi nơi sinh sống của mình, nếu muốn bảo đảm an toàn cho bản thân. Ban đầu di chuyển từ phía Bắc Gaza xuống phía Nam, và hiện nay phía Nam cũng đã trở thành vùng bị oanh tạc.

Như trong phân tích của Reuters hôm Thứ Hai chỉ ra, điều này ngày càng khiến LHQ và người Ả-rập tỏ ra lo ngại.

Việc này vốn đã có tiền lệ: Người Palestine đã bị buộc phải di dân khi Israel thành lập vào năm 1948. Sự kiện đó được ghi vào lịch sử với cái tên “Nakba” (‘thảm họa’ trong tiếng Ả-rập), với 700.000 người Palestine phải rời khỏi lãnh địa của mình.

Họ bị đuổi đi bằng vũ lực, và phải trốn sang các quốc gia Ả-rập lân cận, gồm cả Jordan, Syria, và Lebanon. Một số đã đến Gaza. Nhiều người trong số họ và con cháu của họ phải trải qua cuộc sống trong các trại tị nạn và không có được nhà ở của mình cho đến tận bây giờ.

Trong chiến tranh Israel lần này, nhân loại được chứng kiến cuộc ném bom dai dẳng và tấn công trên bộ chưa từng có, tàn phá khắp vùng đất này. Liên Hợp Quốc cho hay đã không còn chỗ nào ở Gaza là còn an toàn nữa.

Điều gì đã xảy ra trong chiến tranh lần này?

Trước khi Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, ban đầu Israel đã yêu cầu người Palestine ở phía Bắc Gaza di chuyển đến những nơi mà họ cho là khu vực an toàn ở phía Nam. Khi cuộc tấn công mở rộng, Israel bảo họ tiến xa hơn về phía Nam tới Rafah, nằm cạnh Ai Cập, quốc gia duy nhất ngoài Israel có chung đường biên giới với vùng đất chỉ dài 40 km (24,85 dặm) và rộng vài km.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có tới 85% trong số 2,3 triệu người ở Gaza —một trong những khu vực mật độ dân số đông nhất thế giới— đã phải rời bỏ nhà cửa và hiện đang chen chúc trong một khu vực ngày càng nhỏ gần biên giới. Các hoạt động phong tỏa cũng khiến cuộc sống của người dân trở nên ngày càng khó chịu đựng nổi.

Những gì đã xảy ra trong các lần xung đột quân sự trước?

Những lần xung đột vào các năm gần đây không dẫn tới việc người Israel phải rầm rộ rời bỏ đất nước. Nhưng những lần đó không khốc liệt nếu so với lần công hãm này. Những lần trước, cũng đã có những sự cố người Palestine chạy nạn và vượt biên qua biên giới để tới Ai-Cập.

Liệu có xảy ra Nakba một lần nữa?

Nhiều người Palestine ở Gaza nói họ sẽ không rời đi ngay cả khi có thể được đi, vì họ sợ điều đó có thể dẫn đến một cuộc di dời vĩnh viễn khác, tái diễn Nakba năm 1948. Trong khi đó, Ai Cập đã đóng cửa biên giới chặt chẽ, ngoại trừ cho phép vài nghìn người nước ngoài, mang hai quốc tịch, và một số nhỏ những người khác rời khỏi Gaza.

Ai Cập và các nước Ả-rập khác phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đẩy người Palestine qua biên giới.

Tuy nhiên, quy mô của cuộc xung đột này đã vượt xa các đợt khủng hoảng khác ở Gaza trong nhiều thập kỷ qua, và thảm họa nhân đạo ngày càng sâu sắc hơn đối với người Palestine, khiến họ không có đủ thức ăn hoặc nước uống, trong khi rất ít bệnh viện vẫn còn hoạt động.

Các nước Ả-rập và LHQ nói gì?

Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, các chính phủ Ả Rập, đặc biệt là các nước láng giềng của Israel là Ai Cập và Jordan, đã nói rằng người Palestine không thể bị đuổi khỏi vùng đất, nơi mà dự kiến thành lập nhà nước Palestine tương lai, tức là Dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan.

Nếu Israel thông qua các cách khác nhau —như cách lập cái gọi là ‘khu định cư’ ở Bờ Tây mà họ đang làm nhiều thập kỷ qua, và cách lấy chiến tranh làm lý do như đang làm hiện nay— để đẩy bật người Palestine khỏi nơi ở của mình, thì triển vọng về “giải pháp hai nhà nước” sẽ trở thành mỏng manh, và các quốc gia láng giềng phải giải quyết hậu quả.

Khi cuộc khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, các quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng di dời hàng loạt.

“Tôi dự đoán trật tự công cộng sẽ sớm bị phá vỡ hoàn toàn và một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn có thể xảy ra bao gồm dịch bệnh, cộng với áp lực gia tăng, kết cục sẽ buộc người dân phải di dời hàng loạt sang Ai Cập,” Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ mối quan ngại vào hôm 10/12.

Philippe Lazzarini, người đứng đầu cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA), đã viết trên tờ Los Angeles Times vào ngày 9/12 rằng “những diễn biến mà chúng ta đang chứng kiến, ​​cho thấy những nỗ lực đưa người Palestine vào Ai Cập, mặc kệ là họ sẽ ở lại đó hay tái định cư sang nơi khác.”

Chính phủ và chính khách Israel nói gì?

Israel không thừa nhận họ đang tìm cách đuổi người chiếm đất. Chính phủ Israel nói rằng họ chỉ là yêu cầu người Palestine tạm thời rời khỏi nhà và đất của mình mà thôi. Để tránh khỏi hoạt động quân sự ‘tự vệ’ của Israel, các hoạt động đang biến nhà ở thành các đống gạch vụn.

Khi được hỏi về Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tiến hành tấn công vào các khu nhà ở của dân Gaza và sự di dời của người dân, Bộ trưởng Nông nghiệp Israel Avi Dichter nói với Kênh 12 của Israel vào ngày 11/11: “Đây là Nakba của Gaza, về phương diện hoạt động, không cách nào có thể tiến hành cuộc chiến theo cách mà IDF muốn [nếu không buộc dân phải sơ tán], khi nó diễn ra bên trong lãnh thổ Gaza với quần chúng ở giữa xe tăng và binh lính.”

Ông Dichter là thành viên đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cũng là bộ trưởng trong nội các an ninh.

Sau khi Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói vào ngày 10/12 rằng cuộc tấn công của Israel là “một nỗ lực có hệ thống nhằm khiến người dân phải rời đi hết khỏi Gaza”, người phát ngôn Chính phủ Israel Eylon Levy đã gọi những bình luận đó là “những cáo buộc thái quá và sai trái.”

Nhật Tân