Sự cộng sinh đôi bên cùng có lợi của Facebook và ĐCSTQ
- Ngô Dịch Quân
- •
Mặc dù Facebook bị chặn ở Trung Quốc, nhưng gần đây một kênh truyền thông trực tuyến tại Mỹ theo dõi xu hướng tài chính của Trung Quốc đã chỉ ra rằng Facebook thông qua các đại lý Trung Quốc mỗi năm kiếm được vài tỷ đô la Mỹ, thông tin này một lần nữa thu hút sự chú ý của quốc tế. Cách đây vài tháng cũng có kênh truyền thông nổi tiếng đưa tin, Trung Quốc là quốc gia có nguồn thu nhập thứ cấp của Facebook, chỉ đứng sau Mỹ. Trung Quốc là một khách hàng cao cấp của Facebook, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Facebook đúng là không thể xem thường.
The Wire China là một tuần báo trực tuyến có trụ sở tại Boston, Mỹ. Ngày 1/8, tờ báo này đưa tin, mặc dù Facebook đã nỗ lực hơn một thập kỷ qua, nhưng vẫn không thể thâm nhập vào thị trường “bên trong bức tường” Trung Quốc. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg khó có thể giấu giếm sự thất bại trong việc này. Tuy nhiên, trong thời gian dài, Facebook đã kiếm được hàng tỷ đô la doanh thu quảng cáo từ Trung Quốc mỗi năm thông qua các phương pháp đi vòng như đại lý và hợp tác chiến lược. Những hoạt động tiếp thị quảng cáo và quan hệ công chúng này không chỉ đến từ các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc mà còn từ các doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp nhà nước, truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho đến cả chính quyền trung ương và địa phương. Những giao dịch này hiển nhiên được chính quyền ĐCSTQ cấp phép, thậm chí là tích cực lợi dụng.
Trung Quốc từ lâu đã trở thành khách hàng lớn cao cấp của Facebook
Trang tin The Wire China chỉ ra, các nhà quảng cáo quan trọng của Trung Quốc bao gồm các công ty trò chơi, ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử, nhà phát triển ứng dụng và các tổ chức chính phủ. Quảng cáo trên Facebook có thể tăng cường ảnh hưởng quốc tế và Facebook cũng có thể sử dụng điều này thu lợi từ Trung Quốc, nguồn tiền rất lớn, cả hai bên (ĐCSTQ và Facebook) cùng có ích lợi.
Được biết, năm 2009, ĐCSTQ tuyên bố một số nhà hoạt động nhân quyền đã sử dụng Facebook để móc nối và liên quan đến vụ hỗn loạn ở Urumqi, Tân Cương, do đó ĐCSTQ đã chặn Facebook ở Trung Quốc. Cũng vì lý do này, hơn 10 năm qua, ngoại giới không biết rõ ràng rằng Facebook thu lợi rất lớn ở Trung Quốc.
Theo một báo cáo The Wire China, Facebook kín tiếng về hoạt động kinh doanh của mình ở Trung Quốc. Ví dụ: trong báo cáo tài chính năm 2020 tiết lộ rằng ngay cả khi “các sản phẩm của chúng ta có thể bị chặn hoặc hạn chế”, nhưng “chúng ta có được thu nhập khả quan từ các đại lý quảng cáo có hạn ở Trung Quốc”.
Kể từ năm 2018, Facebook đã sử dụng những lời lẽ mập mờ tương tự như trên trong các báo cáo tài chính của mình. The Wire China cho rằng Facebook đặc biệt kín tiếng về hoạt động kinh doanh của mình ở Trung Quốc, có thể vì nó liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị chính quyền Mỹ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ bị cáo buộc đã phát tán tin tức sai sự thật. Các nhà quảng cáo Trung Quốc này quảng cáo trên Facebook thông qua 11 công ty quảng cáo Trung Quốc và 11 công ty này được gọi là “đối tác chất lượng”.
The Wire China lấy ví dụ, người sáng lập MeetSocial là Thẩm Chấn Cương (Charles Shen) tự xưng là “đại lý lớn nhất ở Trung Quốc” của Facebook, đã từng trả lời phỏng vấn New York Times và nói rằng năm 2019, công ty của ông có doanh thu khoảng 2 tỷ đô la Mỹ, hơn 20.000 quảng cáo Trung Quốc được đăng trên Facebook mỗi ngày. Các nhà quảng cáo bao gồm những ‘gã khổng lồ’ công nghệ như ByteDance (công ty mẹ của TikTok), các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ như Thời báo Hoàn cầu, CCTV, và cả China Mobile, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền ĐCSTQ cũng là một khách quý của Facebook. The Wire China đã phân tích 553 hợp đồng quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội ở nước ngoài được ký kết giữa chính quyền các cấp của ĐCSTQ và các doanh nghiệp tư nhân từ năm 2014 đến năm 2020, và phát hiện ra rằng nhiều hợp đồng được chỉ định đích danh cần lên Facebook, số lượng các bài đăng của chính quyền ĐCSTQ trên Facebook ít nhất là gấp đôi so với trên các nền tảng khác.
The Wire China được đồng sáng lập vào năm ngoái bởi David Barboza, cựu phóng viên tờ New York Times tại Thượng Hải. David Barboza đã giành được rất nhiều giải thưởng trong 10 năm qua, là người hiếm hoi 2 lần nhận được giải thưởng Pulitzer vào năm 2013. Nội dung báo cáo giành được giải thưởng có liên quan đến mặt tối trong vận hành kinh tế toàn cầu của những ‘gã khổng lồ’ công nghệ như Apple, cũng như vụ bê bối tham nhũng của chính quyền cấp cao của Chính phủ Trung Quốc. Báo cáo liên quan đến bê bối tham nhũng của ông đã khiến ĐCSTQ gây áp lực chặn phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh của New York Times.
Cộng sinh cùng có lợi giữa Facebook và ĐCSTQ đã tiếp cận “đôi bên cùng thắng”
Trên thực tế, báo cáo của The Wire China về việc Facebook kiếm được nhiều tiền từ Trung Quốc không phải là tin tức mới. Tháng 2/2019, New York Times từng đưa tin đại lý Trung Quốc Feishu Interactivel ở quận Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), đã hoạt động với vai trò như một đại diện của Facebook khi Facebook không có văn phòng chính thức ở Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Feishu Interactivel là một trong 7 đại lý quảng cáo của Facebook tại Trung Quốc, Feishu Interactivel thuộc Meetsocial Group.
Khi đó, New York Times đưa tin “trung tâm trải nghiệm” của Feishu Interactive được thiết lập cho các nhà quảng cáo dường như là một “thuộc địa” đến từ Thung lũng Silicon, và các công ty và tổ chức Trung Quốc muốn tận dụng xu hướng của Facebook để tuyên truyền ra quốc tế, và đã vô tình khiến Trung Quốc trở thành nguồn lợi nhuận chính của Facebook. Ông Thẩm Chấn Cương, Giám đốc điều hành của Feishu Interactive đã từng chỉ ra rằng doanh số quảng cáo trên Facebook và Instagram vào năm 2019 sẽ lên đến 2 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Pivotal Research Group, Facebook kiếm được tới 5 tỷ đô la Mỹ từ các đại lý Trung Quốc trong năm 2018, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu hàng năm. Quy mô doanh thu này cho phép Facebook, vốn bị cấm ở Trung Quốc, được xếp hạng trong số 7 công ty internet hàng đầu ở Trung Quốc.
Có lẽ vì hoạt động kinh doanh quảng cáo thịnh vượng ở Trung Quốc, vào cuối năm 2019, Facebook đã “ôm lấy Trung Quốc” trên WeChat, tuyên bố rằng họ sẽ phấn đấu trở thành “nền tảng tiếp thị tốt nhất cho các công ty Trung Quốc vươn ra toàn cầu”. Đài CNBC tại Mỹ đưa tin, hồi đầu năm ngoái, tại trụ sở Châu Á – Thái Bình Dương ở Singapore, Facebook đã mở rộng đội ngũ kỹ sư mới của mình để phục vụ thị trường Trung Quốc, đồng thời thiết kế một hệ thống quảng cáo mới dành riêng cho các nhà quảng cáo Trung Quốc. Điều này thể hiện sự tự tin và ý định mạnh mẽ của Facebook đối với thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, trang tin Sina ở Trung Quốc năm ngoái cũng chỉ ra rằng trang web chính thức của Feishu Interactive đã cho thấy họ đã phục vụ hơn 10.000 khách hàng doanh nghiệp Trung Quốc. Ngân sách của các nhà quảng cáo trực tuyến Trung Quốc là gần 400 tỷ nhân dân tệ (gần 61,7 tỷ USD). Tổng quy mô thị trường tương đương với doanh thu quảng cáo toàn cầu của Facebook. Facebook có tiềm năng lớn ở thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, ĐCSTQ cũng biết tích cực sử dụng Facebook cho mặt trận thống nhất và tuyên truyền nước ngoài. Ngày 2/4, tờ New York Post đưa tin, ĐCSTQ đã sử dụng một số lượng lớn các quảng cáo trên Facebook để tuyên truyền về đời sống hạnh phúc của người dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, v.v. Ngoài ra, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu trực tuyến DataReportal cho thấy, trong số 20 Fanpage Facebook được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, có 3 trang được điều hành bởi các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ như “Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc” (CGTN) có hơn 115 triệu người theo dõi (hiện đã hơn 117 triệu).
Ngoài ra, theo Wall Street Journal đưa tin, một số nhân viên Facebook đã cảnh báo về hoạt động tuyên truyền liên quan đến Tân Cương do các đoàn thể của ĐCSTQ tài trợ trong một nhóm thảo luận nội bộ. ĐCSTQ đang bị dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì các biện pháp giam giữ, cưỡng bức lao động và triệt sản quy mô lớn đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Xem ra sự cộng sinh cùng có lợi giữa Facebook và ĐCSTQ đã tiệm cận “đôi bên cùng có lợi”. Việc liệu có thể thâm nhập vào thị trường nội địa Trung Quốc từ lâu đã không phải là trọng điểm, Trung Quốc đã là nhà tài trợ lớn của Facebook, và việc giành lấy thị trường Trung Quốc trở thành chủ đề giả. Zuckerberg thỉnh thoảng mạnh miệng mắng chửi ĐCSTQ, hát hò bảo vệ an ninh quốc gia và nhân quyền, e rằng cũng là giả, không nên coi đó là thật.
Ngô Dịch Quân
(Bài viết thể hiện quan điểm và lập trường của cá nhân tác giả, được Up Media trao quyền cho Vision Times đăng lại)
Xem thêm:
Từ khóa Mark Zuckerberg Quảng cáo Facebook Dòng sự kiện CEO Facebook Facebook