Tàu cẩu khổng lồ của Trung Quốc tiến sát bờ biển Việt Nam
- Trọng Đức
- •
Con tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc, tàu Lam Kình được xác định đã tiến sát vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ cách bờ biển Việt Nam 90km (56 dặm), theo báo Hoa Nam (SCMP) của Hồng Kông đưa tin hôm 5/9. Hoạt động này được đánh giá là có rủi ro gây gia tăng đối đầu hằng hải giữa hai nước láng giềng có lịch sử chiến tranh và tranh chấp biển đảo.
Trước đó hôm 3/9, các nguồn tin về biển Đông đã trích xuất dữ liệu theo dõi con tàu này cho hay Lam Kình đang di chuyển trong vùng EEZ của Việt Nam. Theo VOA, một chuyên gia cho biết thêm rằng lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam đang theo dõi động thái của con tàu này.
Theo SCMP, tàu Lam Kình đã rời cảng Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) phía Nam Trung Quốc vào tháng trước. Vào đêm thứ Ba (3/9), nó tới gần bờ biển tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam, theo Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu biển.
Hôm 3/9, dữ liệu trích dẫn từ trang web trên cho thấy tọa độ của Lam Kình là 14°56’6.00″N/109°23’42.00″E ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi vào lúc 9 giờ 42 phút. Tức là chỉ cách đường cơ sở của Việt Nam chưa tới 11 hải lý và cách đảo Lý Sơn khoảng 30 hải lý về phía nam, nghĩa là trong lãnh hải của Việt Nam, cũng là nơi có dự án Cá Voi Xanh mà Việt Nam đang hợp tác với tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil để khai thác.
Mục đích của con tàu này được cho là để lắp đặt thêm một giàn khoan tới hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.
Các nhà quan sát nói rằng sự hiện diện của con tàu Trung Quốc quá gần với bờ biển Việt Nam như trên cho thấy Bắc Kinh đã “chơi bài ngửa” đối với tham vọng chiếm biển của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng với Việt Nam tại Bãi Tư Chính và việc Việt Nam cứng rắn hơn những lần đụng độ trước trong việc bảo vệ hoạt động dầu khí của mình trên vùng biển mà Trung Quốc cũng khẳng định có chủ quyền.
Từ tháng 7 cho tới nay, tàu hải giám của Việt Nam đã đối đầu với các tàu hải giám Trung Quốc và tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 khi đội tàu Trung Quốc tiến vào Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang đặt giàn khoan. Hà Nội nhiều lần lên tiếng đòi Trung Quốc rút tàu xâm phạm về và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ, một động thái có thể đã khiến Trung Quốc bất ngờ và tiếp tục cho tàu bè tiến vào sát bờ biển Việt Nam để thị uy. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền gần hết biển Đông và chồng lấn lên cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của những nước khác, trong đó có Việt Nam.
Sự hiện diện của tàu Hải Dương Địa Chất 8 được xem như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cản hoạt động dầu khí của Việt Nam được thực hiện bằng cách hợp tác với công ty Nga Rosneft. Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc trường Công nghệ Nanyang Singapore, nhận định rằng Trung Quốc đang dùng tàu Lam Kình để gây sức ép lên các lực lượng hàng hải của Việt Nam.
“Tưởng tượng rằng Việt Nam phải kéo dãn các lực lượng hằng hải có khả năng hạn chế của mình, không chỉ tại Bãi Tư Chính và còn vì tàu Lam Kình. Điều này có thể gây phức tạp tình hình mà Việt Nam vốn đang ở trong một tình thế bất đối xứng với Trung Quốc về mặt năng lực hải quân”, ông Koh nói.
“Nhưng điều Trung Quốc đang làm có thể kích động phản ứng mạnh mẽ hơn từ người dân Việt Nam, buộc giới chính trị Việt Nam phải hành động. Hành động này có thể là cho phép tinh thần dân tộc nổi lên công khai để chống lại hành động mới này của Trung Quốc”.
Tàu Lam Kình được trang bị một cần cẩu khổng lồ có khả năng nâng 7.500 tấn. Bản thân chiếc cần cẩu này nặng 4.000 tấn và có móc phụ nặng 1.600 tấn, có khả năng nâng và hạ các thiết bị đặc biệt nặng như các giàn khoan dầu. Cho đến nay, Lam Kình vẫn được xem là tàu cẩu lớn nhất trên thế giới.
Trung Quốc đưa con tàu này vào sát bờ biển của Việt Nam trong khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia vào cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-ASEAN trên biển Đông.
Hôm 2/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp giảm căng thẳng trên Biển Đông do “những diễn tiến nghiêm trọng” gần đây gây ra.
“Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong và ngoài khu vực trên bình diện kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải”, bà Hằng nói trong một email gửi cho hãng tin Bloomberg hôm 2/9. “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với các nước khác và cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực”.
Trước đó, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ấn Độ và Úc đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa tàu vào Bãi Tư Chính, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam. Giới chức Mỹ cũng nhiều lần ngỏ ý ủng hộ Việt Nam và thúc giục chính quyền Donald Trump có hành động cụ thể để ngăn cản âm mưu độc chiếm vùng biển Đông giàu tài nguyên của Trung Quốc.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa bãi Tư chính Tàu cẩu Trung Quốc Lam Kình biển Đông Dòng sự kiện