Ngày 6/10, Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott và Marsha Blackburn đã cùng nhau đề xuất “Đạo luật trách nhiệm giải trình về truyền thông do [chính phủ] Trung Quốc hậu thuẫn” để thắt chặt thời hạn và số lượng thị thực của phóng viên thuộc truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

tan hoa
Màn hình quảng cáo khổng lồ của Tân Hoa Xã tại Quảng trường Thời đại, Mỹ (Ảnh: Anton_Ivanov / Shutterstock).

“Đạo luật trách nhiệm giải trình về truyền thông do [chính phủ] Trung Quốc hậu thuẫn” (Chinese-Backed Media Accountability Act) quy định cấm cấp thị thực mới cho các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cho đến khi Quốc hội Mỹ nắm được danh tính chính xác của phóng viên Trung Quốc tại Mỹ. Mục đích nhằm thiết lập mối quan hệ đối đẳng giữa Mỹ và ĐCSTQ. Dự luật cũng quy định số lượng thị thực không được vượt quá số lượng phóng viên Mỹ đang công tác tại Trung Quốc.

Tháng Ba năm nay, ĐCSTQ đã trục xuất 12 phóng viên Mỹ, đồng thời và yêu cầu các kênh truyền thông khác gửi báo cáo về nhân viên Trung Quốc, tài chính, hoạt động và bất động sản tại Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Scott cho biết, nhiều năm nay, chính quyền ĐCSTQ cố gắng tuyên truyền tại Mỹ thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước, đồng thời từ chối đối đãi công bằng với các phóng viên Mỹ tại Trung Quốc. “Tổng Bí thư Tập Cận Bình muốn trừng phạt bất kỳ nhân sĩ bất đồng chính kiến ​​nào, và xây dựng chính quyền của ông ta trên việc kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận. Chúng ta sẽ không cho phép điều này tiếp tục. Chúng ta phải hành động”, Thượng nghị sĩ Scott viết trong thông cáo báo chí.

“Chúng ta không để tình trạng này tiếp diễn, chúng ta phải hành động… Tôi rất mong các đồng nghiệp của tôi ủng hộ đề xuất này” ông Scott nói.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn cho biết, “Không thể mong đợi ĐCSTQ ủng hộ tự do báo chí bởi vì phương tiện truyền thông của chính quyền ĐCSTQ kiểm duyệt tin tức, và các phóng viên Mỹ tại Trung Quốc bị đối xử bất công. Luật này sẽ cho phép chúng ta giám sát chặt chẽ các phóng viên Trung Quốc (ĐCSTQ) làm việc tại Mỹ, đảm bảo rằng họ sẽ không hoạt động gian lận.”

Kiến nghị cụ thể của dự luật

  1. Trước khi Quốc hội Mỹ nhận được báo cáo của Bộ trưởng Ngoại giao về việc có bao nhiêu phóng viên Trung Quốc ở Mỹ, các phóng viên từ 9 tổ chức truyền thông được xác định là “cơ quan đại diện nước ngoài” của Trung Quốc không thể xin thị thực hoặc gia hạn thị thực của họ.
  2. Tất cả thị thực phóng viên Trung Quốc chỉ có thể được gia hạn trong 90 ngày thông qua Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ.
  3. Tổng số thị thực được cấp cho các phóng viên Trung Quốc không được vượt quá số lượng các phóng viên Mỹ tại Trung Quốc.
  4. Yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa đệ trình báo cáo lên Quốc hội trong vòng 45 ngày, để tiếp tục giám sát các phóng viên truyền thông chính thức của Trung Quốc.

Cuộc chiến kịch liệt trong lĩnh vực truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc

Thực tế, “cuộc chiến truyền thông” này đã bắt đầu từ lâu. Cách làm của chính quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn là thông qua từ chối cấp thị thực hoặc hủy bỏ thẻ phóng viên để trục xuất những phóng viên nước ngoài mà Bắc Kinh nói là “không được hoan nghênh”. Do đó, từ năm ngoái, Washington đã bắt đầu nhấn mạnh quan hệ đối đẳng giữa hai nước Mỹ – Trung.

Sau khi Mỹ xác định năm phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc là “phái đoàn nước ngoài” hồi tháng Hai năm nay, đến tháng Sáu, phía Mỹ tiếp tục xác định 4 kênh truyền thông bao gồm CCTV vào danh sách phái đoàn nước ngoài, để hạn chế hoạt động của họ tại Mỹ.

9 kênh truyền thông này là: Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Dịch vụ Tin tức Trung Quốc (CNS), Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu, Tân Hoa xã, Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), công ty xuất bản Nhật báo Trung Quốc và Nhà phát Hải Thiên (Hai Tian) của Nhân dân Nhật báo.

Các “phái đoàn nước ngoài” này phải nộp danh sách các nhân viên tại Mỹ cho cơ quan liên quan của chính phủ Mỹ và kê khai tài sản mà họ nắm giữ.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, ngày 6/8 là ngày hết hạn thị thực cho các phóng viên Trung Quốc do Mỹ ấn định. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hiện chưa có ai nhận được trả lời rõ ràng từ phía Mỹ, có nghĩa là có khả năng sẽ có phóng viên trú tại Mỹ sẽ phải rời khỏi Mỹ do không nhận được thị thực.

Vào đầu tháng Chín, ĐCSTQ đã ngừng gia hạn thẻ phóng viên cho các phóng viên nước ngoài của các hãng truyền thông Mỹ tại Trung Quốc, và ám chỉ rằng nếu chính quyền Tổng thống Trump có hành động thêm nữa, những phóng viên nước ngoài đang ở Trung Quốc này sẽ bị trục xuất.

Các phóng viên từ các tổ chức thông tấn của Mỹ CNN, The Wall Street Journal và Getty Images đã cố gắng gia hạn thẻ phóng viên của họ ba tuần sau đó, nhưng lại nhận được thông báo rằng họ không thể nộp làm thủ tục nữa. Những thẻ phóng viên như vậy thường có thời hạn trong một năm. Một số phóng viên cho biết có tổng cộng ít nhất 5 phóng viên từ 4 cơ quan truyền thông bị ảnh hưởng.

Hồi tháng Bảy, hai nước Mỹ – Trung đã đóng cửa lãnh sự quán của nhau, khiến cho mối quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng hơn.

Tiêu Nhiên

MỜI XEM VIDEO:

Xem thêm: