Bà Le Pen muốn Pháp bỏ đồng euro
Lãnh đạo dân tuý cực hữu Marine Le Pen loan báo kế hoạch rút Pháp khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung euro nếu bà đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay.
Trong khi đó đối thủ của bà Le Pen, ông Arnaud Montebourg đảng Xã hội cánh tả cho biết ông sẽ áp siêu thuế vào ngành ngân hàng để tăng ngân sách thêm 5 tỷ euro, nếu đắc cử.
Cử tri Pháp sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 4 và tháng 5 năm nay.
Kết quả khảo sát đến hiện tại cho thấy ứng viên bảo thủ Francois Fillon, người thắng cách biệt trong khâu bầu chọn đề cử viên của Đảng Cộng hoà theo đường lối trung-tả hồi tháng 11, sẽ đối mặt với bà Le Pen trong vòng bầu cử cuối cùng.
Làn sóng dân tuý đang nổi lên ở Pháp
Bà Le Pen là một lãnh đạo dân tuý cực hữu, còn ông Fillon là một lãnh đạo hữu khuynh ủng hộ sự vận động tự do của thị trường tư bản, và dù ai chiến thắng thì Pháp cũng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ so với 4 năm Đảng Xã hội tả khuynh của Tổng thống Francois Hollande cầm quyền.
Bà Le Pen là người vận động yêu cầu rút Pháp khỏi khu vực đồng tiền chung euro trong nhiều năm qua. Tầm nhìn của bà là EU nên trở về sử dụng rổ tiền bao gồm tiền tệ của nhiều quốc gia được công nhận, liên kết thông qua một hệ thống đơn vị tiền tệ chung như Ecu (Đơn vị Tiền tệ Châu Âu), hệ thống đã được sử dụng trước khi đưa đồng euro vào làm đồng tiền duy nhất năm 1999.
Theo kế hoạch của bà Pen, Pháp có thể quay lại sử dụng đồng franc trong khi duy trì quan hệ kinh tế tương đối chặt với khu các quốc gia còn lại.
Chiến lược này của Le Pen được cho là sẽ mở rộng sự thu hút của Đảng Mặt trận Quốc gia trước những cử tri còn băn khoăn về đường lối cứng rắn của đảng đối với khối Liên minh Châu Âu. Khi được hỏi trong một bài phỏng vấn trong tuần này rằng liệu bà có rút luôn Pháp khỏi EU hay không, bà Le Pen trả lời: “Không, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tái thương lượng với EU để lấy lại chủ quyền của Pháp, điều này sẽ được hỗ trợ bằng một cuộc trưng cầu dân ý”.
Hầu như sự ủng hộ của Đảng của bà Le Pen nằm ở những cử tri muốn có một nền kinh tế bảo hộ hơn và những người muốn một xã hội Pháp bảo thủ hơn. Mặt trận Quốc gia đã loan báo chủ trương củng cố đường biên giới quốc gia để giải quyết cả 2 vấn đề này.
Tuy nhiên trong quá khứ, đảng này chưa bao giờ đạt quá 30% số phiếu bầu. Theo các nhà phân tích, thách thức của bà Le Pen hiện tại, là làm sao thu hút thêm được cử tri của những đảng phái chính thống trong khi duy trì được hình ảnh dân tuý, chống chế độ hiện hành, vốn là nền tảng cốt lõi của đảng.
Trong bài phát biểu Năm Mới trước truyền thông, bà ca ngợi quyết định của công ty Ford Motors khi huỷ đầu tư xây nhà máy ở Mexico như một chiến thắng của chính sách quốc gia của Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump.
Ứng viên Tổng thống đảng Cộng hoà Pháp Francois Fillon
Ông Francois Fillon được gọi là “Thacher của Pháp” vì ngưỡng mộ công khai đối với “bà đầm thép Margaret Thatcher”, cố thủ tưởng bảo thủ của nước Anh.
Những đường lối hữu khuynh mà ông Fillon theo đuổi gồm nguyên tắc giảm trợ cấp, giảm thuế và mở rộng không gian tự do cho doanh nghiệp pháp triển. Cụ thể, ông kêu gọi nâng tuổi nghỉ hưu, cắt giảm phúc lợi, chấm dứt giới hạn tuần làm việc 35 giờ, giảm chi công, giảm nhiều khoản thuế, giảm nhập cư và đầu tư thêm 12 tỷ euro cho an ninh, quốc phòng và tư pháp.
Ông Fillon gần đây tuyên bố ông sẽ giảm biên chế 500.000 việc làm trong khu vực công để có ngân sách thúc đẩy kinh kinh tế tư nhân phát triển.
Ông cũng là người ủng hộ việc cấm mạng che mặt Burka của phụ nữ Hồi giáo và muốn nối lại quan hệ với Nga.
Khác biệt lớn nhất với bà Le Pen là ông Fillon ủng hộ sự tồn tại của Liên minh Châu Âu. Đây cũng là đặc điểm lớn nhất khiến ông không bị xếp chung với lãnh đạo các phong trào dân tuý khác. Tuy nhiên ông muốn cải tổ lại EU, tăng quyền tự chủ cho các nước thành viên và bảo vệ biên giới EU với bên ngoài.
Trọng Đức (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa cánh tả cánh hữu Marine Le Pen nước Pháp