Tình hình COVID-19: Việt Nam ghi nhận số ca mắc mới cao thứ 2 thế giới trong 24 giờ qua
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 12/3, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,17 triệu ca mắc COVID-19 mới và 3.776 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 405.143.490 ca, trong đó có khoảng 5.556.271 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 383.651 ca; Việt Nam đứng thứ 2 với 168.719 ca; tiếp theo là Đức (145.267 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 630 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Brazil 333 ca và Hàn Quốc với 269 ca.
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.161.804 người, trong đó có 993.220 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.987.875 ca nhiễm, bao gồm 515.833 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 29.350.134 ca bệnh và 654.945 ca tử vong.
WHO cân nhắc thời điểm chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19
Ngày 11/3, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19. Đây được coi là cột mốc quan trọng sau hơn hai năm đại dịch này bùng phát và hoành hành trên thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, cuộc thảo luận tại WHO sẽ tập trung xem xét các điều kiện cần thiết để có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu – vốn được ban bố vào ngày 30/1/2020. WHO cho biết: “Ủy ban Khẩn cấp quy định y tế quốc tế về COVID-19 đang xem xét những tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng được quốc tế quan tâm”. Quyết định quan trọng này, nếu được đưa ra, không chỉ là một dấu mốc mang ý nghĩa lớn, mà chắc chắn sẽ tác động đến nhiều chính sách y tế cộng đồng. Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận rằng “ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đạt đến mức đó”. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 để quay trở lại hoạt động xã hội bình thường như nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly và mở cửa biên giới, đón khách du lịch… Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia ghi nhận con số kỷ lục về ca lây nhiễm. WHO cho biết trong tuần qua thế giới đã có thêm 10 triệu ca mắc COVID-19 và 52.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng ngay cả khi các trường hợp mắc COVID-19 giảm xuống mức thấp hơn, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm, không giống như những căn bệnh khác như sốt rét và lao. Ngoài ra, vẫn không thể dự đoán được liệu có xuất hiện thêm những biến thể mới, nguy hiểm hơn hay không.
Úc cân nhắc chuyển sang giai đoạn phòng dịch mới
Trong khi đó, Úc đang cân nhắc chuyển sang một giai đoạn mới trong chính sách sống chung với COVID-19.
Trả lời báo giới sau cuộc họp nội các ngày 11/3, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Chính phủ Úc đang thảo luận về việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh: “Sân bay đã mở cửa trở lại, khách quốc tế có thể đến, đã miễn trừ cách ly đối với những người muốn nhập cảnh Úc. Do đó, Úc đang trong Giai đoạn D của chính sách sống chung với COVID-19”. Theo Thủ tướng Morrison, các nhà chức trách Úc muốn bỏ yêu cầu cách ly đối với những người tiếp xúc gần ca bệnh, tuy nhiên vấn đề này sẽ cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.
Thủ tướng Morrison cho biết các quy định cách ly đang gây nhiều khó khăn cho giới doanh nghiệp Úc. Hiện nay, Úc đang ở Giai đoạn D, có thể sống chung với COVID-19 như dịch cúm. Theo ông, các bang Tây Úc và Lãnh thổ phía Bắc sẽ thực hiện giai đoạn sau các khu vực khác một tháng. Trong khi đó, các quan chức y tế bang New South Wales (bang đông dân nhất Úc) cảnh báo về sự gia tăng của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn được gọi là “Omicron tàng hình”, có thể làm tăng gấp đôi số ca nhiễm mới mỗi ngày.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục
Hàn Quốc đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron khi số ca mắc mới theo ngày vượt 380.000 ca. Cụ thể, ngày 12/3, Hàn Quốc ghi nhận 383.665 ca mắc mới, trong đó có 383.590 ca lây nhiễm trong nước. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bùng phát. Số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 6 triệu ca, tăng 1 triệu ca chỉ trong 3 ngày. Nước này cũng ghi nhận thêm 269 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 10.144 người, tỷ lệ tử vong là 0,16%.
Giới chức y tế Hàn Quốc dự đoán nước này sẽ đạt đỉnh dịch trong tuần tới. Chính phủ cũng đang có kế hoạch sửa đổi hệ thống điều trị hiện tại cho bệnh nhân COVID-19 để tận dụng tốt hơn các nguồn y tế khan hiếm. Bắt đầu từ tuần tới, những bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện với các triệu chứng nhẹ sẽ có thể được điều trị tại các bệnh viện đa khoa. Kết quả từ các xét nghiệm kháng nguyên nhanh do các tổ chức y tế thực hiện cũng sẽ được chấp nhận trong việc chính thức xác nhận ca mắc COVID-19.
Nhật Bản điều chỉnh tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19
Ngày 11/3, hội nghị của Tiểu ban cố vấn y tế Chính phủ Nhật Bản đã đi đến thống nhất điều chỉnh giảm tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19, cơ sở quan trọng để ra quyết định dỡ bỏ hoàn toàn áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 tỉnh, thành phố còn lại vào ngày 21/3 tới.
Các chuyên gia cố vấn y tế hàng đầu Nhật Bản cho rằng tiêu chí cũ để dỡ bỏ áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với một địa phương là giảm về số ca mắc mới và giảm tỷ lệ sử dụng giường bệnh, nhưng hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế và với chủ trương giảm gánh nặng đối với kinh tế xã hội.
Hội nghị thống nhất các tiêu chí mới gồm có số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ hoặc chững lại ở mức cao, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung và áp lực với hệ thống y tế giảm. Trong trường hợp tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung (hoặc tỷ lệ sử dụng giường bệnh đối với bệnh nhân nặng) vượt quá 50% nhưng số ca mắc mới có chiều hướng giảm, kéo theo áp lực lên hệ thống y tế giảm.
Ngoài ra, đối với các sự kiện quy mô lớn tại khu vực đang áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, nếu diễn ra trật tự và có kế hoạch phòng dịch chi tiết, sẽ không hạn chế số lượng người tham gia (trước đây là dưới 20.000 người).
Phan Anh (tổng hợp)
Từ khóa COVID-19 Bản tin COVID-19