TQ theo dõi người biểu tình tại Thiên An Môn và giám sát gia đình họ trong nhiều thập kỷ
- Gia Huy
- •
Associated Press (AP) đưa tin, anh Fan BaoLin, người đã tham gia các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và bị bắt năm 1999, vẫn bị ĐCSTQ theo dõi sau khi anh ra tù, đồng thời chính quyền cộng sản Trung Quốc còn giám sát gia đình anh trong hơn ba thập kỷ nhằm ngăn chặn anh hoạt động trở lại.
Anh Fan đã bị bắt vào năm 1999 vì đã cung cấp cho các nhà hoạt động các tài liệu mật về việc giám sát của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với những người Trung Quốc lưu vong ủng hộ dân chủ. Anh đã được thả vào năm 2016 và đã trốn ra khỏi Trung Quốc vào năm ngoái để thoát khỏi sự giám sát của chế độ hà khắc này.
Fan nói với hãng tin AP: “Một khi bạn nằm trong danh sách đen của chính phủ Trung Quốc, bạn sẽ bị theo dõi suốt đời.”
Các lãnh đạo ĐCSTQ đã bỏ tù hoặc khiến các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ phải lưu vong. Nhờ vậy, ĐCSTQ đã thành công trong việc đảm bảo giới trẻ nước này biết rất ít về sự kiện đẫm máu ngày 4/6 diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, sau hơn ba thập kỷ và ba lần thay đổi giới lãnh đạo, ĐCSTQ vẫn không ngừng cố gắng ngăn chặn bất kỳ đề cập nào nói đến vụ thảm sát ngày 4/6 vốn đã giết chết hàng trăm người, thực tế có thể là hàng nghìn người vô tội.
Chính quyền Trung Quốc liên tục giám sát thân nhân của những người đã chết trong vụ thảm sát. Trước ngày kỷ niệm sự kiện đau buồn này hàng năm, chính quyền địa phương thường bắt giữ một số người hoặc buộc họ phải tạm thời xa nhà để ngăn chặn họ làm bất kỳ điều gì có thể thu hút sự chú ý của công chúng. Các buổi tưởng niệm công khai tại Đại Lục luôn bị cấm. Các buổi thắp nến tưởng niệm sự kiện này đã từng được tổ chức công khai tại Hồng Kông và Macao, những vùng lãnh thổ Trung Quốc ít bị ĐCSTQ kiểm soát chính trị trước đây. Tuy nhiên, năm nay, năm thứ hai liên tiếp, chính quyền Hồng Kông thân Trung Quốc tiếp tục cấm tổ chức sự kiện này, viện lý do rủi ro của đại dịch virus corona.
Trong một báo cáo đầu tháng này, ông Yaqiu Wang của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Họ [ĐCSTQ] còn tăng cường đàn áp hơn.”
Sau khi ra tù, anh Fan đã sống tại quê nhà thành phố Tây An, phía tây Trung Quốc dưới sự giám sát và hạn chế của chính quyền địa phương. Anh cho biết cảnh sát yêu cầu anh không rời khỏi thành phố, đồng thời theo dõi điện thoại di động và nghe lén các cuộc gọi của anh.
Để bảo vệ gia đình mình, anh Fan cho biết anh ít liên lạc với họ và không nói gì với họ về những hoạt động của mình. Anh cho biết anh lo lắng họ có thể bị trừng phạt nếu anh bị buộc thêm tội có hành vi sai trái.
Anh nói: “Họ đã tìm anh chị em của tôi.” Chính quyền muốn “các thành viên gia đình tôi thuyết phục tôi, kiểm soát tôi để tôi không tham gia vào loại chuyện này nữa [hoạt động ủng hộ dân chủ], không quen biết những người này nữa [những người ủng hộ dân chủ lưu vong].”
Gia Huy (Theo AP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện ĐCSTQ Đàn áp nhân quyền thắp nến tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ