Trump, Macron đồng thuận về khả năng ký thỏa thuận hạt nhân mới với Iran
- Yên Sơn
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai 23/4 (giờ Mỹ) đã đồng thuận về sự cần thiết phải tiếp cận rộng lớn hơn để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Hai nhà lãnh đạo cơ bản đồng ý về khả năng ký thỏa thuận hạt nhân mới với Tehran.
Ông Trump tiếp đón ông Macron và phu nhân bằng nghi lễ nhà nước cấp cao nhất.
Ông Macron và phu nhân đang có chuyến thăm cấp cao tới Hoa Kỳ trong 3 ngày. BBC cho biết đây là nguyên thủ đầu tiên được phía Mỹ tiếp đón theo nghi lễ nhà nước cấp cao nhất kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng hồi tháng 1/2017.
Theo BBC, tại cuộc họp báo chung diễn ra vào thứ Ba 24/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Pháp Macron nói rằng ông đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trọng tâm trong cuộc hội đàm Trump – Macron tại Nhà Trắng là về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Chỉ còn 3 tuần nữa là đến hạn chót ông Trump yêu cầu có giải pháp về thỏa thuận này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, được ký kết giữa Iran và các cường quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức với mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng lại có điều khoản đảm bảo Tehran có thể phát triển loại vũ khí hủy diệt này vào năm 2026.
Trong năm đó, một số hạn chế quan trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran đã giảm xuống, cho phép Tehran tại thời điểm đó lắp đặt hàng ngàn máy ly tâm uranium tiên tiến, mà các chuyên gia ước tính sẽ cho phép nước này phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng sáu tháng.
Một hạn chế lớn khác nữa của thỏa thuận hạt nhân 2015 là việc Iran phát triển công nghệ tên lửa tiên tiến không thuộc phạm vi điều chỉnh của thỏa thuận, mà thay vào đó phụ thuộc vào một nghị quyết riêng rẽ khác của Liên Hiệp Quốc. Điều này có nghĩa rằng việc Iran tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo không có gì liên quan đến việc họ có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không, tức Tehran phát triển tên lửa mà vẫn không vi phạm thỏa thuận hạt nhân đã ký kết.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng hôm thứ Ba (24/4), ông Trump gọi thỏa thuận Iran 2015 là “thỏa thuận tồi tệ” và “đáng lý không bao giờ được thực hiện”.
Nước Pháp của ông Macron là bên ủng hộ nhiệt tình cho thỏa thuận 2015. Tại Washington, vị Tổng thống trẻ tuổi này cho biết một cách tiếp cận rộng lớn hơn về hoạt động của Iran trong khu vực là cần thiết.
“Thỏa thuận Iran là vấn đề quan trọng nhưng chúng ta phải nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, bao quát an ninh của toàn khu vực”, ông Macron nói vậy và thêm rằng: “Điều chúng tôi muốn làm là kiềm chế Iran và sự hiện diện [ảnh hưởng] của nước này trong khu vực”.
Theo EpochTimes, Tổng thống Trump đã đồng ý với những đánh giá của ông Macron.
Ông Trump cho hay: “Có vẻ như bất kể bạn đi đâu, đặc biệt là ở Trung Đông, Iran ở đằng sau nó, bất cứ nơi nào có rắc rối, Yemen, Syria, cho dù bạn có ở đâu, Iran đều đứng đằng sau nó. Và bây giờ, thật không may, Nga đang ngày càng dính líu nhiều hơn. Nhưng Iran dường như đứng sau mọi thứ tại nơi nào có vấn đề. Và chúng ta phải chú ý điều này”.
Đặc biệt, theo BBC, ông Macon – đang vận động ông Trump duy trì thỏa thuận Iran 2015 – đã nói với báo giới rằng hoàn toàn có thể dần dần hướng tới một thỏa thuận hạt nhân mới để giải quyết những quan ngại hiện có về Tehran.
“Chúng tôi muốn sự ổn định bền vững và tôi tin những cuộc thảo luận mà chúng tôi đã có cùng nhau sẽ có thể mở ra con đường, mở ra cách thức cho một thỏa thuận mới”, ông Macron lạc quan về các trao đổi với ông Trump liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran.
Trước đó, vào tháng Một, ông Trump đã nói rằng ông sẽ chỉ ký xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 thời gian 3 tháng lần cuối cùng. Theo đó, tới ngày 12/5, thời hạn đó sẽ hết và có những quan ngại rằng thỏa thuận này sẽ đổ vỡ và Iran có thể tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Hôm thứ Ba (24/4), khi được phóng viên hỏi về khả năng Iran tái phát triển chương trình hạt nhân nếu thỏa thuận 2015 bị loại bỏ, ông Trump cho hay: “Không dễ cho họ khởi động lại nó. Họ sẽ không khởi động lại bất cứ điều gì. Nếu họ khởi động lại nó, họ sẽ gặp phải rắc rối lớn, lớn hơn những gì họ từng gặp trước đây”.
Cũng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ tới thăm Washington vào thứ Sáu tuần này để thực hiện một nỗ lực vào phút chót nhằm ngăn cản ông Trump có khả năng rút khỏi thỏa thuận Iran.
Trong khi đó, phía Iran cũng đang lớn tiếng đe dọa Mỹ sẽ gặp “hậu quả nghiêm trọng” nếu rút khỏi thỏa thuận 2015.
Trao đổi với hãng tin AP hôm thứ Hai (23/4), Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói rằng Iran “gần như chắn chắn” sẽ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ rút lui.
Cũng trong thứ Hai, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đe dọa về “hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận.
Phản pháo lại Iran, ông Trump hôm thứ Ba tuyên bố: “Nếu Iran đe dọa chúng tôi bằng bất cứ cách thức nào, họ sẽ phải trả giá như một vài nước đã từng bị”.
Yên Sơn (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Emmanuel Macron Vấn đề hạt nhân Iran Thỏa thuận hạt nhân Iran Donald Trump Iran