Trump nói đảng Dân chủ muốn phá đảng Cộng hòa, đặt nước Mỹ vào rủi ro
- Xuân Thành
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên phương tiện truyền thông xã hội để chỉ trích đảng Dân chủ ít phút sau khi bản khiếu nại của người tố giác cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Ukraine được phát hành công khai vào sáng thứ Năm 26/9 (giờ Mỹ).
“Đảng Dân chủ đang cố gắng phá đảng Cộng hòa và tất cả những gì đảng này ủng hộ. Hãy gắn kết cùng nhau, chơi trò chơi của họ và đấu tranh mạnh mẽ cho những người Cộng hòa. Đất nước của chúng ta đang gặp rủi ro!” ông Trump đã viết trên Twitter, nhưng đoạn tweet này sau đó đã được ông gỡ bỏ.
Trong sáng 26/9, Tổng thống Trump cũng đã đăng tweet dẫn lại các bài đăng, bài viết và các cuộc họp báo lên án động thái khởi động một cuộc điều tra luận tội tổng thống của Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Ông Trump tuyên bố rằng cuộc điều tra luận tội đó là “quả lừa lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ!”
Trong một đoạn tweet trước đó, ông Trump đã dự đoán rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ nếu đảng Dân chủ tiếp tục tiến trình luận tội ông.
“Nếu họ thực sự làm điều này, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ. Bạn nghĩ may mắn đã đem lại cho chúng ta Thị trường Chứng khoán và nền Kinh tế tốt nhất trong lịch sử nước ta. Không phải thế đâu!” ông Trump viết.
Bản khiếu nại của người tố giác đã được gửi tới Quốc hội Mỹ hôm 25/9 và được công khai cho công chúng vào sáng 26/9. Việc xử lý khiếu nại này đã gây bùng nổ tranh cãi tại Washington sau khi Văn phòng của Giám đốc An ninh Quốc gia Mỹ (DNI) không giao tài liệu này cho Quốc hội sớm hơn theo yêu cầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện.
Văn phòng Luật sư Tư vấn Pháp lý của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 25/9 đã phát hành văn bản nêu quan điểm rằng họ thấy quyền giám đốc tình báo quốc gia Joseph Maguire không cần phải chuyển bản khiếu nại này cho Quốc hội. Hơn nữa, tổng thanh tra cũng phát hiện “một số dấu hiệu cho thấy sự thiên vị chính trị có thể gây tranh cãi trong một phần của bản khiếu nại này có lợi cho một ứng viên chính trị đua tranh”.
Quyền giám đốc tình báo quốc gia Maguire cũng đã tham gia một cuộc điều trần tại Ủy ban Tình báo Hạ viện vào sáng 26/9. Tại đây, các nhà lập pháp đã gây áp lực với ông về danh tính của người tố giác và cách giải quyết bản khiếu nại này.
Trong buổi điều trần, ông Maguire đã nói với Dân biểu Cộng hòa Devin Nunes rằng ông chưa điều tra sự thật của bản khiếu nại và ông gọi trường hợp này là “độc nhất và chưa từng có tiền lệ”.
Theo nội dung bản khiếu nại đã được công khai, người tố giác tạm gọi là “người thổi còi” đã nộp khiếu nại sau khi nhận được thông tin mà người này nghĩ rằng nó cho thấy ông Trump đang “sử dụng quyền lực của mình để yêu cầu nước ngoài can thiệp”.
Người tố giác ẩn danh này cho biết đã nói chuyện với hơn 6 quan chức Mỹ và những người này ủng hộ việc tố cáo, và họ đặc biệt đề cập tới cuộc gọi ngày 25/7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nội dung bản ghi cuộc điện đàm Trump-Zelensky cũng đã được Tổng thống Trump cho công bố toàn văn vào ngày 25/9.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khởi động một cuộc điều tra luận tội ông Trump từ hôm 24/9 và thông tin về tiến trình này trên truyền thông nhiều giờ trước khi bản ghi cuộc điện đàm Trump-Zelensky được công khai.
Bà Pelosi cáo buộc rằng Tổng thống Trump “đã bộc lộ những thực tế đáng hổ thẹn về phản bội lời thề tổng thống, phản bội an ninh quốc gia, và phản bội tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của chúng ta”.
Trong buổi họp báo hôm 25/9, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, Dân biểu Cộng hòa Kevin McCarthy đã lên án bà Pelosi và đặt nghi vấn về khả năng bà này có thể tiếp tục làm Chủ tịch Hạ viện.
“Hôm qua là một ngày đen tối cho nước Mỹ. Đó là một ngày đen tối cho nền pháp trị này khi Chủ tịch Hạ viện tuyên bố tổng thống đã phạm pháp mà không có bất kỳ thông tin nào để phán xét,” ông McCarthy nói với phóng viên.
“Bà ta đã đặt đất nước này vào con đường nguy hiểm khi nói về an ninh quốc gia và thế giới quan của chúng ta,” ông McCarthy nói. “Cùng lúc khi lãnh đạo của nước ta đang ngồi họp tại Liên Hiệp Quốc với các nhà lãnh đạo thế giới khác – thách thức với Iran, thách thức với Trung Quốc và các nước khác. Và đồng thời bà ta đứng lên nói rằng bà sẽ thực hiện một cuộc họp báo kéo dài cả ngày để nói về điều gì sẽ xảy ra với việc luận tội.”
“Bà ta tuyên bố rằng ông [Trump] vi phạm luật mà không có bằng chứng, không có thông tin, thực tế đơn giản là bà ta không thích kết quả cuộc bầu cử 2016. Điều đó khiến trong tôi đặt nghi vấn rằng bà ta liệu có khả năng để làm chủ tịch [Hạ viện],” Dân biểu Cộng hòa McCarthy nói thêm.
Theo Hiếp pháp Mỹ, một vị tổng thống có thể bị luận tội vì “phản quốc, tham nhũng hoặc các tội nặng và nhẹ khác”.
Theo Giáo sư Robert G. Natelson, lãnh đạo của Trung tâm nghiên cứu Hiến pháp, Viện Độc lập và là giáo sư luật có kinh ngiệm 25 năm, “tội nặng” được định nghĩa là các trọng tội, trong khi “tội nhẹ” là thuật ngữ đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Ông Natelson nói rằng dựa vào định nghĩa lịch sử của thuật ngữ này, có từ thế kỷ 13 trong Nghị viện Anh, nó có nghĩa là “vi phạm nghĩa vụ ủy thác” hoặc “vi phạm lòng tin”. Viện Độc lập nơi ông Natelson công tác là nhóm tư vấn có trụ sở tại Colorado thường cung cấp các nghiên cứu có thể ảnh hưởng tới pháp luật và chính sách công. Các nghiên cứu về Hiến pháp Mỹ của ông Natelson cũng từng nhiều lần được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trích dẫn.
Trao đổi với Epoch Times, ông Natelson nói: “Điều đó có nghĩa là, không trung thành, cẩu thả và bỏ bê, không trung thực, tự xử lý tài chính hoặc không cung cấp hồ sơ tài chính đầy đủ. Những điều này tương tự với các tiêu chuẩn ủy thác được áp dụng cho những người ủy thác trong các giao dịch tư nhân.”
Ông Natelson nói rằng ông không nghĩ cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelensky vi phạm hiến pháp.
“Tôi không thấy làm thế nào một yêu cầu từ một nguyên thủ quốc gia đối với người đồng cấp của quốc gia khác để điều tra các tội danh tham nhũng mà lại cấu thành một trọng tội hoặc vi phạm nghĩa vụ ủy thác,” ông Natelson nói. “Thực tế, đó là chuẩn mực ngoại giao quốc tế khi mà những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ giúp nhau về mặt chính trị. Mỗi nguyên thủ quốc gia biết rằng lợi ích của đất nước ông ta là gắn liền ở một mức độ nhất định với lợi ích của các nguyên thủ quốc gia khác mà họ muốn có mối quan hệ tốt.”
Hơn nữa, ông Natelson nói ông không nghĩ bà Pelosi đã hành động phù hợp khi bà khởi động cuộc điều tra luận tội tổng thống trước khi bà đọc bản ghi về cuộc điện đàm đó.
“Có áp lực trong nội bộ đảng của bà ta mà có lẽ khiến bà phải hành động như vậy, nhưng quyết định của bà là không phù hợp và tôi không cho rằng đó là [hành động] chính trị khôn ngoan,” ông Natelson nhận định.
Ông Natelson cũng là người có kinh nghiệm chính trị thực tế nói rằng qua kinh nghiệm mà ông học được về việc “đừng bao giờ để thái độ thù hận và khinh miệt một đối thủ chính trị của bạn kiểm soát bạn”.
“Điều đó khiến bạn đánh giá thấp đối thủ và đánh giá quá cao tính thuyết phục trong trường hợp của bạn. Và vì những lý do đó và các lý do khác, việc cho phép sự thù hận hoặc khinh miệt của bạn kiểm soát bạn nhiều hơn khiến bạn mắc sai lầm chính trị,” ông Natelson nói.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa luận tội tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump Đảng Dân chủ