Trung Quốc cấm các học giả Úc nhập cảnh nhằm trả đũa Canberra
- Lê Vy
- •
Hai học giả Úc đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc sau khi nước này thu hồi thị thực của hai học giả Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Clive Hamilton – giáo sư người Úc và là tác giả của nhiều cuốn sách về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước khác và Alex Joske – một chuyên gia nghiên cứu về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản, người làm việc với tư cách là nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc.
Bài báo không nêu bất kỳ lý do nào dẫn đến quyết định này.
Giáo sư Hamilton, người hiện đang giảng dạy về đạo đức công tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, cho biết ông rất ngạc nhiên khi biết về lệnh cấm từ bài báo. Ông nói rằng đã quyết định cách đây 2-3 năm rằng sẽ không đến Trung Quốc vì quá nguy hiểm.
Ông nói: “Lệnh cấm này khá bất ngờ, mặc dù tôi đã nằm trong ‘danh sách kẻ thù’ của Bắc Kinh vài năm rồi. Mỗi khi Úc thực hiện hành động để bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng hoặc sự can thiệp của Trung Quốc, thì Bắc Kinh liền cảm thấy cần phải trả đũa. Chính phủ Úc không tham gia vào bất kỳ trò chơi ‘ăn miếng trả miếng’ nào. Tất cả là do những người dễ tự ái đang điều hành chính phủ Trung Quốc làm ra”.
Là đồng tác giả của cuốn sách mới xuất bản gần đây với tiêu đề “Bàn tay Ẩn: Phơi bày cách Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình thế giới”, ông Hamilton cho biết quan hệ giữa hai nước sẽ chỉ được cải thiện khi Bắc Kinh ngừng can thiệp vào Úc và ngừng cố gắng bắt nạt Canberra.
Ông nói: “Chính phủ Úc đã nhiều lần nói rõ ràng và điềm tĩnh rằng họ sẽ không cho phép điều gì gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc chủ quyền của Úc. Bắc Kinh mất bao lâu để hiểu được thông điệp đó?”
Trong khi đó, ông Joske, người lớn lên ở Bắc Kinh, cho biết trên Twitter rằng lệnh cấm được đăng tải trên Thời báo Hoàn Cầu là nỗ lực mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm “trừng phạt những người phơi bày hoạt động của đảng này”. Ông cho biết chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ dám thách thức tính chính xác trong các tác phẩm của ông về những nỗ lực của đảng trong việc gây ảnh hưởng đến chính trị và chuyển giao công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.
Ông nói: “Mặc dù tôi lớn lên ở Trung Quốc và muốn trở lại đó… nhưng nhiều năm trước, tôi đã quyết định rằng rủi ro cá nhân khi đi du lịch đến Trung Quốc quá cao. Tôi đã không giữ hoặc xin thị thực Trung Quốc trong nhiều năm.”
Tháng trước, Úc đã hủy visa đối với Chen Hong, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Úc tại Đại học Sư phạm Hoa Đông và Li Jianjun, người điều hành Trung tâm Nghiên cứu Úc tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh.
Căng thẳng ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Canberra. Đầu tháng này, hai phóng viên Úc đã được sơ tán khỏi Trung Quốc vì lo ngại họ có thể bị ĐCSTQ giam giữ.
Hai nhà báo trở lại Úc một tuần sau khi có thông tin xác nhận rằng nhà báo quốc tịch Úc Cheng Lei đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì lý do an ninh quốc gia. Bắc Kinh cũng tiết lộ rằng bốn nhà báo Trung Quốc làm việc tại Úc cũng đã bị khám xét nhà.
Mối quan hệ giữa hai quốc gia bắt đầu xuống dốc kể từ đại dịch COVID-19, đặc biệt khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đợt bùng phát ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã đình chỉ xuất khẩu thịt bò và lúa mạch của Úc để trả đũa, trong khi Canberra đưa ra cáo buộc về ảnh hưởng và sự can thiệp của Trung Quốc.
Lê Vy (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Trung Quốc trả đũa Úc căng thẳng Trung Quốc - Úc