Một phát ngôn viên của Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ ủng hộ Litva trong việc công nhận Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc.

Litva đã cho phép Đài Loan mở văn phòng ở thủ đô Vilnius dưới tên Đài Loan vào tháng 11 năm ngoái. Đáng chú ý, để xoa dịu Trung Quốc, hầu hết các quốc gia chỉ cho phép Đài Loan mở văn phòng kinh tế văn hóa dưới tên Đài Bắc. BBC đưa tin, Litva đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu cho phép Đài Loan sử dụng tên riêng của mình cho văn phòng đại diện.

Điều này đã khiến chính phủ Trung Quốc tức giận và trả đũa. Các quan chức của Litva và Mỹ cho hay, Trung Quốc đã ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu từ Litva kể từ khi Đài Loan mở văn phòng tại nước này.

Embed from Getty Images

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin), Hoa Kỳ đã góp phần vào các hành động của Litva.

Ông Uông chỉ trích: “Hoa Kỳ đã xúi giục chính quyền Litva phá hoại ‘nguyên tắc một Trung Quốc’. Họ [Hoa Kỳ] đã ủng hộ, hỗ trợ và tiếp tay cho Litva đi sâu hơn vào con đường sai lầm để đạt được các tính toán chính trị của mình nhằm kiềm chế Trung Quốc.”

Theo BBC, tuần trước, phát biểu với một hãng tin tức địa phương, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đã bày tỏ sự lo lắng về quyết định này: “Tôi nghĩ việc mở văn phòng của Đài Loan không phải là một sai lầm, mà là tên của nó, tôi đã không được cho biết việc này.”

Tuy nhiên, mặc dù tổng thống tỏ ra lo lắng, nhưng trong một thông báo gửi cho BBC, Bộ Ngoại giao Litva khẳng định, họ “giữ vững lập trường” trong quyết định cho phép Đài Loan mở văn phòng.

Đài Loan được quản lý độc lập với Trung Quốc kể từ năm 1949. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Các quan chức Trung Quốc coi quan điểm này là nguyên tắc một Trung Quốc. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại phi lợi nhuận đặt tại New York, Trung Quốc cam kết cuối cùng sẽ “thống nhất” đảo Đài Loan với Trung Quốc Đại lục. 

Chính phủ Trung Quốc cho rằng, Đài Loan đã đồng ý với nguyên tắc một Trung Quốc trong Thỏa thuận Đồng thuận năm 1992 và sử dụng thỏa thuận này để khăng khăng yêu cầu Đài Loan nên nhận thức đảo quốc này là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo CFR, cả hai bên không thể nhất trí về ý nghĩa của Thỏa thuận năm 1992, vào thời điểm đó, đảng cầm quyền của Đài Loan nhận định, nó có nghĩa là “một Trung Quốc, các cách hiểu khác nhau”.

Trên trang Web của mình, văn phòng của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết, trong một cuộc điện đàm vào tuần trước với một quan chức châu Âu, bà Tai đã bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ” của Mỹ đối với Litva “trước sự chèn ép kinh tế” của Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng như hầu hết các chính phủ khác, bao gồm cả Litva, chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh, nhưng vẫn duy trì quan hệ chính trị và thương mại không chính thức với chính phủ được bầu một cách dân chủ của Đài Loan. Hầu hết các chính phủ đều chấp nhận áp lực của Trung Quốc khi yêu cầu các tổ chức của Đài Loan hoạt động dưới tên Đài Bắc Trung Hoa.

Bắc Kinh đã trả đũa động thái của Litva bằng cách trục xuất đại sứ của Litva tại Trung Quốc. Đáp lại, Litva đã đóng cửa đại sứ quán của mình tại Bắc Kinh.

Nhật Minh (Theo AP, Newsweek)

Xem thêm: