Trung Quốc không thể sản xuất chip cao cấp giúp Nga né tránh trừng phạt
- Lâm Nghiên
- •
Hôm thứ Năm (ngày 24/2), Nga đã phát động cuộc chiến với Ukraine từ đường biển, trên bộ và trên không, dẫn đến các lệnh trừng phạt toàn diện của các nước Âu, Mỹ. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cùng ngày tuyên bố rằng thương mại Trung – Nga vẫn bình thường, làm dấy lên lo ngại rằng ĐCSTQ đã giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng có một số loại chip mà Nga cần nhưng Trung Quốc dù thế nào thì cũng không thể sản xuất được.
Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu sang Nga như một phần của gói biện pháp đáp trả sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào thứ Năm. Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo hôm thứ Năm (ngày 24/2) rằng họ sẽ hạn chế quyền tiếp cận công nghệ và các sản phẩm khác của Nga. Nga sẽ mất quyền tiếp cận các sản phẩm như chất bán dẫn, máy tính, viễn thông, thiết bị bảo mật thông tin, laser và cảm biến. Điều này sẽ buộc các công ty sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất các sản phẩm này ở nước ngoài phải được Mỹ cấp phép, thì mới có thể cung cấp sản phẩm cho Nga.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các biện pháp kiểm soát chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ và hàng hải của Nga. Mỹ đang thực hiện hành động này với sự hợp tác của Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Vương quốc Anh, Canada và New Zealand.
Ngoài các hạn chế xuất khẩu của Bộ Thương mại đối với các sản phẩm công nghệ cao, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt khác đối với Ng. Mục đích nhằm cô lập Moscow khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Bắc Kinh chưa bao giờ chỉ trích hành động xâm lược của ông Putin. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm (24/2) cho biết, thương mại với Nga sẽ vẫn “bình thường“, đồng thời phê chuẩn nhập khẩu nhập khẩu lúa mì của Nga. Đáp lại, Nhà Trắng cho biết, thương mại Trung – Nga không đủ để triệt tiêu tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Moscow.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, tỷ trọng của Trung Quốc và Nga trong nền kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều so với G7, bao gồm Mỹ và Đức. Điều này có nghĩa là thương mại Trung – Nga không thể bù đắp tác động của các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ và châu Âu áp đặt.
Trung Quốc không thể cung cấp chip cấp cao cho Nga
Trong một bài viết hôm 25/2, Reuters đã chỉ ra rằng Nga hoàn toàn không thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh về phương diện cung cấp chip.
Bài viết dẫn lời một nhà tư vấn chip Trung Quốc, nói rằng ngành công nghiệp chip của bản thân nước Nga đang thất bại và phụ thuộc vào nguồn cung bán dẫn toàn cầu.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei vào năm 2019, cắt hầu hết các nguồn cung cấp chip ở nước ngoài của công ty, đồng thời ngăn chặn một cách hiệu quả việc Huawei xây dựng nguồn cung cấp chip của riêng mình. Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt vào năm 2020, bao gồm nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), từ đó tiến thêm một bước trong việc ngăn cản kế hoạch bá chủ công nghệ của Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, thị phần xuất khẩu chip toàn cầu của Trung Quốc vẫn không đáng kể – các nhà chế tạo chip phi sản xuất (nghĩa là chỉ thiết kế mạch cho chip phần cứng, sau đó giao cho các nhà sản xuất chuyên biệt để sản xuất, và công ty chịu trách nhiệm bán hàng) chiếm khoảng 16 % thị phần toàn cầu. Theo Reuters, điều này cũng hạn chế mức độ mà Bắc Kinh có thể giúp đỡ Nga, vốn đã bị trừng phạt nghiêm khắc.
Một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ cho biết: “Một mình Trung Quốc không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu quân sự quan trọng của Nga.”
Quan chức này cũng nói rằng Trung Quốc không có công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất. “Do đó, cả Nga và Trung Quốc đều phụ thuộc vào các nhà cung cấp khác, và tất nhiên là phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ để đáp ứng nhu cầu của họ.”
Theo United Nations Comtrade, năm 2020, Trung Quốc đã xuất khẩu hàng điện tử sang Nga trị giá khoảng 10 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc, trong đó các lô hàng điện thoại thông minh chiếm một phần lớn trong số đó.
Ông Doug Fuller, nhà nghiên cứu chính sách công nghệ của Trung Quốc tại Đại học Thành phố Hồng Kông, nói rằng trong khi phương Tây cắt đứt hoàn toàn việc nhập khẩu chip của Nga từ các nước khác, thì lại có thể làm tăng xuất khẩu chip của Trung Quốc sang Nga. Tuy nhiên “một số chip mà Nga cần nhưng dù thế nào Trung Quốc không thể chế tạo được.”
ĐCSTQ không thể có được thiết bị tiên tiến và công nghệ cao, khó có thể sản xuất chip công nghệ cao
Các chip cao cấp được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm tiên tiến, từ điện thoại thông minh tiên tiến và thiết bị di động 5G cho đến máy tính hỗ trợ trí tuệ nhân tạo.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc, nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới, đã đầu tư mạnh vào các dự án bán dẫn như một phần của kế hoạch “Made in China 2025”. Kế hoạch này yêu cầu tỷ lệ tự cung tự cấp 70% cho các thành phần cốt lõi của các công nghệ quan trọng vào giữa thập kỷ này.
Nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc như SMIC không thể sản xuất chip cao cấp do các hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Reuters cho biết, cho đến nay, Trung Quốc chủ yếu sản xuất chip cấp thấp.
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn cho biết trong một báo cáo năm 2021 rằng Trung Quốc “tụt hậu trông thấy” về công cụ, vật liệu và công nghệ sản xuất.
Với lý do lo ngại về an ninh, Washington và châu Âu đang ngăn cản các nhà sản xuất chip Trung Quốc tiếp cận với các công cụ tiên tiến nhất và ngăn họ cạnh tranh với các những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về độ chính xác và hiệu quả.
Ông Peter Hanbury, người theo dõi ngành công nghiệp chip tại Bain & Company, nói với Hãng tin AP rằng nếu không có những công cụ tiên tiến này, Trung Quốc sẽ bị tụt hậu xa hơn.
Trong một bài viết hồi tháng 7/2021, tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng Trung Quốc khó có thể có được những cỗ máy sản xuất chip tiên tiến. Bài viết nói Trung Quốc muốn cung cấp cho các nhà sản xuất chip trong nước máy móc trị giá 150 triệu USD, cho phép ‘gã khổng lồ’ điện thoại thông minh Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Nhưng nhà sản xuất máy quang khắc của Hà Lan ASML Holding đã không cung cấp dù chỉ một chiếc máy duy nhất vì họ không có giấy phép từ Chính phủ Hà Lan.
Vào tháng 1/2022, ông Peter Wennink, giám đốc điều hành của ASML, cho biết công ty vẫn chưa xin được giấy phép để vận chuyển bất kỳ máy quang khắc tiên tiến nhất nào của mình đến Trung Quốc, đây là thiết bị cần thiết để chế tạo chip máy tính tiên tiến.
Tờ Wall Street Journal nói rằng các nhà phân tích cho rằng nếu không có các máy móc tiên tiến nhất của ASML, các nhà sản xuất chip của Trung Quốc sẽ không thể tạo ra những con chip hàng đầu cho đến khi các công cụ trong nước Trung Quốc theo kịp. Theo ước tính, ĐCSTQ cần ít nhất 10 năm thì mới có thể đạt được trình độ kỹ thuật của ASML.
Theo các quan chức Mỹ, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Chính phủ Hà Lan hạn chế bán hàng do lo ngại về an ninh quốc gia. Hoa Kỳ có quyền làm như vậy, vì máy móc của ASML cũng sử dụng công nghệ của Mỹ.
Mặc dù ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều trong những năm gần đây để cố gắng thực hiện tự chủ về chip của Trung Quốc. Nhưng Reuters cho biết, trong một đánh giá của chính quyền Biden vào tháng 6/2021 về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đang cung cấp 100 tỷ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp chip của họ, bao gồm cả việc xây dựng 60 nhà máy mới. Tuy nhiên, một số khoản thanh chi đã dẫn đến thua lỗ lớn, với một loạt các vụ phá sản, vỡ nợ và các dự án bị bỏ dở.
Từ khóa Nga tấn công Ukraine Dòng sự kiện chip Trung Quốc Mỹ trừng phạt Nga nguy cơ Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine