Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) tuyên bố hôm thứ Ba (3/12) rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các thành viên khác của khối kinh tế BRICS bất chấp lời đe dọa áp thuế của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Lam Kiem 2
Phát ngôn viên Lâm Kiếm của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ. (Ảnh chụp màn hình)

Gần đây, ông Trump đã cảnh báo rằng các nước BRICS sẽ bị đánh thuế 100% đối với hàng hóa của họ nếu họ tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc ủng hộ một loại tiền tệ hiện có như một đối thủ cạnh tranh với đồng đô la Mỹ.

Trước đây, BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và đã được mở rộng vào tháng Một, kết nạp thêm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Khoảng 30 quốc gia khác đã bày tỏ quan tâm gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi này. 

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba (3/12), ông Lâm Kiếm nêu rõ nhóm BRICS là một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi và mục tiêu của nhóm là đạt được sự phát triển toàn diện và thịnh vượng, không phải để tham gia vào “cuộc đối đầu giữa các khối” hoặc “nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào“.

Nhà ngoại giao này tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các đối tác BRICS để tăng cường hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đóng góp nhiều hơn vào sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nền kinh tế thế giới“.

Về phía Nga, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Hai (2/12) đã lên tiếng phản đối lời đe doạ của ông Trump. Ông Peskov nhấn mạnh rằng áp lực của Hoa Kỳ sẽ chỉ đẩy nhanh xu hướng toàn cầu đang gia tăng hướng tới sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong thương mại, làm giảm vai trò là loại tiền tệ dự trữ của đồng bạc xanh. 

Trong bài đăng trên nền tảng Truth Social vào thứ Bảy (30/11), ông Trump cho biết ông sẽ yêu cầu các quốc gia BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ chung, “hoặc ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng đô la Mỹ hùng mạnh“, nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức thuế 100% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Trump thề sẽ sử dụng thuế quan để giải quyết thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, buộc các công ty Mỹ thuê ngoài sản xuất phải quay trở lại và đạt được một loạt các mục tiêu địa chính trị.

Trước lời đe dọa của ông Trump, từ tháng 6 năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng các thành viên của khối BRICS đang xem xét khả năng tạo ra một loại tiền tệ dự trữ quốc tế. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt các lệnh trừng đối với Nga do phát động chiến tranh tại Ukraine, về cơ bản đã loại bỏ Moskva khỏi hệ thống tài chính được định giá bằng đô la.

Năm 2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho hay ông ủng hộ việc tạo ra “một loại tiền tệ giao dịch” trong khối, “giống như người châu Âu đã tạo ra đồng euro“.

Tuy nhiên, vào tháng Mười, ông Putin cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về một loại tiền tệ chung của BRICS vì trước tiên các nền kinh tế thành viên cần phát triển và hội nhập hơn nữa.

Đáp lại lời đe dọa của ông Trump, Nam Phi hôm Chủ Nhật (1/12) cũng đã phủ nhận việc BRICS đang có kế hoạch tạo ra một loại tiền tệ mới.

Thay vì tạo ra một loại tiền mới, các nước BRICS đã cam kết thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới để hoạt động song hành với mạng lưới SWIFT của phương Tây, và tăng cường sử dụng các loại tiền tệ địa phương trong thương mại quốc tế.

Phạm Duy (T/h)