Truyền thông phương Tây quay lưng với ‘núi tiền’ quảng cáo của ĐCSTQ
- Trịnh Thanh
- •
Mới đây, New York Times đã tháo bỏ tất cả các nội dung trả phí của China Daily (Nhật báo Trung Quốc) trên trang của mình. Những quảng cáo này có tên là “China Watch”. Thoạt trông qua giống như bài của phóng viên độc lập đưa tin, tuy nhiên chúng là các bài được mua, để thúc đẩy tuyên truyền chính sách, tô vẽ cho bức tranh một Trung Quốc lạc quan. Các quốc gia dân chủ phương Tây hiện đang rất cảnh giác với loại “tuyên truyền đối ngoại” này. Họ đang lựa chọn các biện pháp thích hợp để chống lại hoạt động “mượn thuyền ra khơi”, nương theo truyền thông uy tín của các quốc gia để làm tuyên truyền cho Trung Quốc. Nhiều hãng truyền thông khác cho biết hiện họ đã chấm dứt hợp đồng với China Daily.
Trong hơn một thập kỷ, bằng vốn tài trợ của chính quyền ĐCSTQ, China Daily đã tung tiền để đưa các nội dung tuyên truyền lên các kênh truyền thông uy tín nổi tiếng như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal… dưới hình thức chèn nội dung hoặc phụ trương (Phụ trương là trang tăng thêm ngoài số trang quy định và được phát hành cùng số chính của báo in). Các bài quảng cáo này được đặt tên là “China Watch”, thoạt trông qua giống như bài báo phóng viên đưa tin. Chúng dùng để tuyên truyền chính sách cho ĐCSTQ và tô vẽ bức tranh lạc quan về một Trung Quốc hiện đại.
Các bài viết bị lặng lẽ xóa bỏ
Theo Phóng viên báo The Washington Free Beacon, anh Yuichiro Kakutani đã chia sẻ với Đài VOA, anh phát hiện các liên kết tới các bài tuyên truyền trên, hiện không thể truy cập được nữa. Báo New York Times đã xóa tất cả các tin tức tuyên truyền của China Daily trên website của mình. Tất cả các liên kết đến nội dung của China Watch và liên kết có đề cập đến nội dung liên quan đều bị xóa bỏ.
Từ sau năm 2017, hợp tác giữa China Daily và The New York Times chủ yếu thông qua Internet. Các dấu vết còn lưu trữ trên công cụ Wayback Machine cho thấy, New York Times từng đăng các nội dung tuyên truyền của China Daily trong chuyên mục quảng cáo tính phí. Trong đó năm 2019, thời điểm người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị đàn áp dữ dội, The New York Times cho đăng một video sau đó được đem về tuyên truyền tại Trung Quốc, đưa tin Tân Cương hiện là vùng đất mỹ miều “an cư lạc nghiệp”.
Đại diện Đảng Cộng hòa tại bang Indiana Mỹ, ông Jim Banks ca ngợi quyết định chấm dứt hợp tác với China Daily của New York Times. Ông phát biểu trên Twitter: “Thời báo New York đã đưa tin chi tiết về những hành động tàn bạo của ĐCSTQ ở Tân Cương và các nơi khác trên thế giới. Tôi rất vui vì cuối cùng Thời báo đã có các chuyển biến tích cực từ bên trong với quyết định sáng suốt không tiếp tục làm công cụ tuyên truyền chính trị cho ĐCSTQ. Các tổ chức truyền thông khác cũng nên áp dụng các giá trị này của Mỹ, thoát khỏi sự mua chuộc của ĐCSTQ. “
Tờ Suddeutsche Zeitung nước Đức đã ngừng xuất bản phụ bản của China Daily từ năm 2018
Tháng 2/2018, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin đã công bố báo cáo điều tra giải thích xu hướng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, với chiến lược chính là lợi dụng ảnh hưởng của truyền thông công chúng phương Tây. Điều tra chỉ ra, phương tiện quan trọng tác động đến dư luận phương Tây chính là phiên bản tiếng Anh của China Watch.
Theo báo cáo điều tra, chiến thuật “mượn thuyền ra khơi” lợi dụng danh tiếng các kênh truyền thông uy tín nước ngoài thực sự là một phương pháp hiệu quả, đặc biệt đối với độc giả địa phương, tính khả tín cao hơn nhiều so với truyền thông Trung Quốc.
Ngày 16/5/2018, tổng giám đốc nhóm Chiến dịch quốc tế vì Tây Tạng (ICT) tại Đức, ông Kai Müller, công bố bài viết có tiêu đề “Một sự thay đổi đáng khen ngợi”, khen tặng báo Süddeutsche Zeitung tại Đức, đã có quyết định sáng suốt ngưng phát hành nội dung của China Watch mà không cần phải đợi than phiền gì từ đọc giả.
Các kênh truyền thông phương Tây tuyên bố chấm dứt đăng bài tuyên truyền cho Trung Quốc
Phó Giám đốc truyền thông Thời báo New York, ông Danielle Rhoades Ha xác nhận với hãng tin Deutsche Welle rằng từ đầu năm nay, tờ báo này đã quyết định ngừng nhận các nội dung tin tức quảng cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm cả China Daily. Tuy nhiên, Rhoades cũng nhấn mạnh rằng, miễn là các loại hình quảng cáo của các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đáp ứng các nguyên tắc quảng cáo, họ vẫn có thể cho đặt lại.
Giám đốc Truyền thông của Tờ Washington Post, ông George Shani, cũng nói với Deutsche Welle, tờ báo của ông đã ngừng xuất bản nội dung của China Daily từ năm ngoái.
Ngoài ra, báo Guardian, Daily Telegraph – Anh quốc cũng đã ngừng việc xuất bản những bài báo trả phí mang tính tuyên truyền của China Daily. Tuy nhiên, Telegraph không bình luận về lý do ngừng nhận đăng những bài báo được tài trợ hậu hĩnh này. Theo một tin tức khác của Tờ Hong Kong Free Press thì Daily Telegraph bắt đầu xuất bản nội dung của China Watch trên báo giấy và Internet cách đây hơn mười năm. Telegraph từng dự tính thông qua sự hợp tác này để đạt được hơn 1 triệu đô la Mỹ doanh thu hàng năm.
Ngoài Telegraph ra, tháng Hai năm nay, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu China Daily kê khai thu nhập từ năm 2016. Báo cáo cho thấy, từ tháng 11/2016 – 4/2020, China Daily đã chi tổng cộng hơn 19 triệu USD phí in ấn và quảng cáo cho các kênh truyền thông Mỹ, trong đó, chi 50.000 USD cho New York Times, gần 4,6 triệu USD cho Washington Post, và gần 6 triệu USD cho tờ Wall Street Journal.
Giám đốc Tổ chức Giám sát nhân quyền tại Trung Quốc, bà Sophie Richardson đăng trên Twitter, bất kỳ tổ chức truyền thông nào cũng nên công bố rõ ràng với ngoại giới việc họ đã chấm dứt việc xuất bản nội dung tuyên truyền của China Daily và lý do cho quyết định ngừng hợp tác này.
Chính phủ Trung Quốc kiểm soát truyền thông
Kể từ 02/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiên tục cho nhận dạng 9 kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó bao gồm: Nhân dân Nhật báo (China Daily), Tân Hoa Xã, Đài truyền hình trung ương CCTV, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc CGTN… là cánh tay truyền thông nối dài cho chính quyền ĐCSTQ.
Chính quyền Trung Quốc luôn cố gắng đẩy mạnh “quyền phát biểu” của mình trên trường dư luận quốc tế. Nhà phân tích cấp cao tại Freedom House – bà Sarah Cook cho rằng, tuyên truyền đối ngoại của chính quyền Trung Quốc áp dụng nhiều hình thức khác nhau, cái được gọi là “mượn thuyền ra khơi” là lợi dụng uy tín của truyền thông nước ngoài để tuyên truyền thay cho ĐCSTQ.
Bà nói: “Hầu hết người Mỹ rất cảnh giác với bất kỳ nội dung nào từ chính quyền Trung Quốc. Do vậy mà các thủ đoạn mập mờ ‘núp bóng’ này đã được đem ra áp dụng để lừa dối công chúng.”
Trịnh Thanh
MỜI NGHE PODCAST: Bị Mỹ bóc tách ra khỏi người dân Trung Quốc, ĐCSTQ ra sức chống đỡ
Xem thêm:
Từ khóa Washington Post Dòng sự kiện China Daily Telegraph Wall Street Journal New York Times truyền thông phương Tây