TT Biden mời ông Putin, ông Tập tham gia hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu
- Như Ngọc
- •
Tổng thống Joe Biden đã gửi lời mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ chủ trì vào tháng Tư, Nhà Trắng loan báo hôm thứ Sáu (26/3).
Sự kiện trực tuyến được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu của các nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức trong hai ngày 22/4 và 23/4. Sự kiện này cũng sẽ được tường thuật trực tiếp trên mạng internet.
Theo AFP, tổng cộng 40 nhà lãnh đạo thế giới đã được chính quyền Biden mời tham gia hội nghị khí hậu 2 ngày có ý nghĩa đánh dấu sự trở lại của Washington ở mặt trận chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu do con người gây ra sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đã rút lui khỏi tiến trình này.
“Tổng thống Biden đã có hành động đầu tiên trong ngày đầu bước vào nhiệm sở là đưa Hoa Kỳ quay lại Thỏa thuận [Khí hậu] Paris. Những ngày sau đó, vào ngày 27/1, ông đã loan báo rằng ông sẽ sớm triệu tập một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo [thế giới] để khuyến khích các nỗ lực của các nền kinh tế lớn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”, một thông báo của Nhà Trắng cho biết.
Ông Biden vào chiều thứ Sáu (26/3, giờ Mỹ) đã nói với báo giới về việc mời ông Tập và ông Putin tham gia hội nghị trực tuyến về khí hậu. “Họ biết họ đã được mời. Nhưng tôi chưa nói chuyện với ai trong số họ”.
Ngày bắt đầu của hội nghị trực tuyến về khí hậu do chính quyền Biden tổ chức là 22/4, trùng với Ngày Trái đất và trước khá xa một cuộc họp chính của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu đã được lên lịch diễn ra vào tháng Mười Một tại Glasgow, Scotland.
Theo loan báo của Nhà Trắng, danh sách 40 lãnh đạo quốc gia được mời tham dự hội nghị thượng định khí hậu vào cuối tháng Tư bao gồm hai nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico, cũng như các đồng minh của Washington tại châu Âu và châu Á. Danh sách này cũng gồm Israel, Ả Rập Saudi, Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Nigeria, Nam Phi và Việt Nam.
Ông Biden đã hoàn thành lời hứa chiến dịch về tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris ngay trong ngày đầu ông bước vào Nhà Trắng.
Tờ The Epoch Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc tái gia nhập Thỏa thuận Paris sẽ đem đến hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ và không có nhiều lợi ích môi trường.
Mỹ đã gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris trong những tháng cuối cùng nhiệm kỳ hai của chính quyền Obama năm 2016. Cựu Tổng thống Trump đã chính thức rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này vào tháng 11/2020. Ông Trump từ năm 2017 đã gọi Thỏa thuận Khí hậu Paris là “thảm họa toàn cầu” cho nền kinh tế Mỹ, và quá nhân nhượng cho nhà nước Trung Quốc cộng sản và các quốc gia khác vốn không có tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường như Mỹ.
“Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ có thể tăng phát thải khí trong một số năm đáng kinh ngạc – 13 [năm]. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn trong 13 năm”, ông Trump tuyên bố hồi năm 2017.
Theo Climate Action Tracker, Trung Quốc hiện đang là nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới, Mỹ xếp thứ hai và Nga đứng thứ tư.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung biến đổi khí hậu Quan hệ Mỹ - Nga thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu chính quyền Biden Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu