Ủy ban Mỹ kêu gọi chế tài Trung Quốc vì ‘tội ác phản nhân loại’
- Xuân Thành
- •
Ủy ban Lập pháp – Hành pháp về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC) hôm thứ Tư (8/1) đã phát hành một báo cáo nghiên cứu thường niên trong đó kêu gọi chính quyền Trump chế tài Trung Quốc vì phạm “tội ác phản nhân loại“. Báo cáo của Ủy ban cũng thúc giục quan chức Mỹ lưu tâm đến vấn đề nhân quyền khi đàm phán với Bắc Kinh, bao gồm cả đàm phán thương mại.
Báo cáo nghiên cứu thường niên của CECC cho biết các điều kiện về nhân quyền và pháp quyền tại Trung Quốc trong thời gian nghiên cứu từ tháng 8/2018 đến 8/2019 đã tồi tệ hơn trước.
Báo cáo nêu chi tiết Trung Quốc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, các nhà hoạt động nhân quyền và báo chí, trong đó tập trung sâu rộng vào việc vạch trần chế độ Bắc Kinh ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Ủy ban tin rằng tại khu tự trị miền tây bắc Trung Quốc, các nhà chức trách Trung Quốc có thể đang phạm “tội ác phản nhân loại”.
Báo cáo gióng lên hồi chuông về việc Bắc Kinh đang tống giam hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác tại các trại tập trung ở Tân Cương.
Tại Tân Cương, chính quyền Trung Quốc đã đang sử dụng camera nhận diện khuôn mặt và các hệ thống giám sát điện thoại di động để tạo thành “một nhà tù ngoài trời” kiểm soát chặt chẽ người dân, báo cáo nói.
Bên cạnh vấn đề nóng Tân Cương, các cuộc đàn áp khác cũng được báo cáo thu thập toàn diện. Chẳng hạn báo cáo chỉ ra rằng, năm 2018 có ít nhất 69 người tập Pháp Luân Công tử vong đã xác định được danh tính trong cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc, và ít nhất 931 người tập Pháp Luân Công đã xác định được danh tính bị kết án tù bất hợp pháp.
“Chính sách ngoại giao Mỹ phải ưu tiên thúc đẩy nhân quyền phổ quát và pháp quyền tại Trung Quốc, không chỉ tôn trọng và bảo vệ phẩm giá cơ bản của người dân Trung Quốc, mà còn thúc đẩy tốt hơn về an ninh và thịnh vượng cho toàn nhân loại,” báo cáo nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề vi phạm nhân quyền, báo cáo nghiên cứu của CECC đã khuyến nghị chính phủ Mỹ nên đưa ra các chính sách thắt chặt tiếp cận thị trường nước này đối với các công ty Trung Quốc đã đang ủng hộ hoặc cung cấp khả năng công nghệ đàn áp.
Báo cáo của CECC cũng khuyến nghị chính quyền Trump áp đặt chế tài lên các doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc liên quan tới giam giữ hàng loạt và giám sát người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
CECC cũng ủng hộ việc kiểm soát mua bán các hệ thống nhận diện gương mặt, công nghệ máy học và sinh trắc học bằng việc đặt các cơ quan Trung Quốc bị chế tài vào “Danh sách theo dõi” của Bộ Ngoại giao Mỹ để ngăn chặn họ mua thiết bị từ các nhà cung cấp Mỹ.
“Ngoài ra, Chính phủ nên vạch ra các quan điểm đàm phán cho quan chức Mỹ – bao gồm những người tham gia các cuộc đàm phán thương mại – thường xuyên liên kết tự do báo chí, ngôn luận và lập hội với các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc,” báo cáo của Ủy ban nêu rõ.
Báo cáo của CECC cũng khuyến nghị Hoa Kỳ truy tố trách nhiệm của những quan chức ĐCSTQ đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như quyền tự do tín ngưỡng bằng các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc từ chối cấp thị thực. Chính phủ Hoa Kỳ cần phải phân biệt rõ “người Trung Quốc và văn hóa Trung Hoa” với “chính quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ rằng 28 quốc gia đã hoặc đang chuẩn bị ban hành Đạo luật Truy tố Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu tương tự Hoa Kỳ để từ chối thị thực và đóng băng tài sản những thủ phạm vi phạm nhân quyền. Quan chức này chỉ rõ rằng trong những năm vừa qua, một số người Trung Quốc đã bị từ chối thị thực vì họ đã tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Báo cáo nghiên cứu của CECC cũng mô tả quyền tự trị và tự do cơ bản tại Hồng Kông đang ngày càng bị xói mòn. Báo cáo cho biết hơn nửa năm biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đã hé lộ “những bất mãn sâu sắc” của quần chúng nhân dân với chính quyền Đặc khu và sự can thiệp ngày càng mạnh mẽ của chính quyền trung ương Bắc Kinh vào hòn đảo bán tự trị này.
Từ khóa Duy Ngô Nhĩ Vi phạm nhân quyền Dòng sự kiện Tân Cương Quan hệ Mỹ - Trung