Nhóm khủng bố Hồi giáo Hamas thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Israel cuối tuần qua đã nhận được tài trợ tiền và thiết bị từ Iran. Chế độ Tehran trong những năm qua đã gửi hàng tỷ đô la cho các lực lượng khủng bố ủy nhiệm nhằm hướng tới mục tiêu là tiêu diệt nhà nước Do Thái Israel. 

Vào ngày 7 tháng 10, một cánh quân sự của Hamas được Iran hậu thuẫn đã phát động một cuộc tấn công vô cớ vào Israel, xâm nhập vào nước này. Các tay súng nổi cơn thịnh nộ trong nhiều giờ, xả súng vào dân thường ở các thị trấn, dọc theo đường cao tốc và tại lễ hội âm nhạc techno (nhạc điện tử) được tổ chức ở sa mạc gần Gaza. Theo truyền thông Israel, ước tính hơn 600 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và một số lượng chưa xác định công dân và binh lính bị bắt cóc.

Lữ đoàn Izzuddin Al-Qassam (IQB), đơn vị thực hiện vụ tấn công đã ca ngợi sự hỗ trợ của Iran.

“Chúng tôi cảm ơn Cộng hòa Hồi giáo Iran đã cung cấp cho chúng tôi vũ khí, tiền bạc và các thiết bị khác!”, người phát ngôn của IQB cho biết trong một video clip được chia sẻ trên mạng xã hội. “Ông ấy đã cung cấp cho chúng tôi tên lửa để tiêu diệt các pháo đài của Do Thái và cho chúng tôi những tên lửa chống tăng tiêu chuẩn!” Không rõ tuyên bố này đã được đưa ra khi nào.

Cuộc tấn công của Hamas diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo tối cao của Iran, Imam Sayyid Ali Khamenei, kêu gọi bạo lực chống lại Israel.

“Lãnh tụ Imam Khomeini từng mô tả chế độ Do Thái tiếm quyền là ung nhọt ác tính”, ông Imam Sayyid Ali Khamenei nói trong một bài đăng ngày 3 tháng 10 trên X (tên cũ là Twitter). “Ung nhọt này chắc chắn sẽ bị xóa bỏ dưới bàn tay của người dân Palestine.”

IQB đã chia sẻ các video clip vào ngày 7 tháng 10 cho thấy một số chiến binh của họ ở bên trong các khu quân sự của Israel. IQB là nhóm vũ trang Hamas lớn nhất và được trang bị tốt nhất hoạt động ở Gaza và đã đang tham gia vào nhiều cuộc chiến với Israel.

Hamas là một tổ chức khủng bố theo dòng Hồi giáo Sunni. Sunni là một trong những bộ phái lớn của Hồi giáo. Hamas được thành lập vào năm 1988 như một nhánh của nhóm lớn hơn, có tên Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Iran sử dụng Hamas, có trụ sở tại Dải Gaza, để tiến hành các cuộc tấn công chống lại Israel. Với sự giúp đỡ của Iran, Hamas đã xây dựng một mạng lưới đường hầm dài trong khu vực Gaza và dưới biên giới Israel-Gaza để che giấu vũ khí cũng như để giam giữ những thường dân Israel bị họ bắt cóc. 

Ông Saleh al-Arouri, phó tham mưu cục chính trị của Hamas, đã nói với hãng tin Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn rằng số binh sĩ Israel bị bắt cóc trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 đã đủ để buộc các nhà chức trách Israel phải trả tự do cho tất cả tù nhân Palestine mà họ đang giam giữ.

Ông Saleh al-Arouri nói: “Những tù nhân của chúng tôi bị giam giữ trong các nhà tù [Israel], sự tự do của họ đang gần kề. Những gì chúng tôi có trong tay sẽ giải phóng tất cả tù nhân của chúng tôi. Cuộc chiến càng kéo dài thì số tù nhân sẽ càng nhiều”. 

Iran hỗ trợ Hamas và Hezbollah

Các nhà lãnh đạo Iran vốn cực kỳ thù địch với Israel và nhiều lần thề xóa sổ đất nước này khỏi bản đồ đã tổ chức nhiều cuộc họp trong vài tháng qua, kêu gọi hành động thống nhất và đổi mới chống lại Israel, theo Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (FDD), một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington.

“Kể từ năm 1992, chế độ ở Iran đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc cung cấp tiền mặt, vũ khí và đào tạo cho Hamas. Nhóm vũ trang này đã công khai liên minh với giới lãnh đạo Iran. Cả hai không chỉ có chung hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan mà còn có niềm tin rằng Israel nên bị tiêu diệt”, ông Hussain Abdul-Hussian, nhà nghiên cứu của FDD, cho biết, theo một bài đăng ngày 7 tháng 10 của FDD. 

Nhà phân tích nghiên cứu của FDD, ông Joe Truzman cho biết: “Các sự kiện đang diễn ra ở miền nam Israel là hệ quả của việc chế độ Iran cung cấp vũ khí và tài trợ lâu dài cho các nhóm khủng bố Palestine hoạt động ở Dải Gaza. Iran cũng đã mở rộng sự hậu thuẫn cho các tổ chức khủng bố ở nhiều khu vực khác như Li Băng, khu Bờ Tây, Syria, Iraq và Yemen”. 

Nối tiếp cuộc tấn công của Hamas vào Israel, nhóm khủng bố Hezbollah, được Iran hậu thuẫn ở Li Băng, đã nhắm đánh vào các vị trí quân sự của Israel trong khu vực Shebaa Farms tranh chấp. Hezbollah tuyên bố rằng hành động này được thực hiện “với tinh thần đoàn kết” với người dân Palestine. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đáp trả bằng cách không kích vào Hezbollah ở Li Băng.

Hezbollah là một tổ chức chiến binh Hồi giáo Shia – bộ phái lớn thứ hai của đạo Hồi. Hezbollah được thành lập trong cuộc nội chiến Li Băng (1975–1990) bởi Vệ binh Cách mạng Iran vào năm 1982 để mở rộng hệ tư tưởng Hồi giáo và chống lại các lực lượng Israel xâm chiếm Li Băng.

Vào ngày 7 tháng 10, Hezbollah cho biết họ đã “liên hệ trực tiếp” với các thủ lĩnh của các nhóm “kháng chiến” ở Palestine, gọi cuộc tấn công của Hamas ở Israel là “phản ứng mang tính quyết định đối với việc Israel tiếp tục chiếm đóng và là một thông điệp gửi tới những người đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel”, theo Reuters. 

“Iran đã đang xây dựng một mạng lưới gồm ít nhất 19 nhóm vũ trang ở biên giới Israel, bao gồm cả ở Gaza, Bờ Tây, Li Băng và Syria”, FDD xác định dựa trên cơ sở theo dõi của họ.

Các tổ chức lớn nhất trong số này là Hamas và Hezbollah. FDD tuyên bố rằng hàng năm Iran gửi khoảng 100 triệu đô la cho Hamas và 700 triệu đô la cho Hezbollah.

Vai trò của chính quyền Biden

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel. 

Ông nói trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ cuộc tấn công kinh hoàng vào Israel của những kẻ khủng bố Hamas từ Gaza”.

“Israel có quyền bảo vệ đất nước và người dân của mình. Hoa Kỳ cảnh báo chống lại bất kỳ bên thù địch nào với Israel đang tìm kiếm lợi thế trong tình huống này. Sự hỗ trợ của chính quyền của tôi đối với an ninh của Israel là rất vững chắc và không lay chuyển”. 

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã đổ lỗi vụ tấn công mới nhất của Hamas vào Israel cho các chính sách sai lầm của Tổng thống Biden.

“Ông Joe Biden đã phản bội Israel”, cựu Tổng thống Trump nói trước đám đông vào ngày 7 tháng 10 tại Cedar Rapids, tiểu bang Iowa. “Tôi đã dự đoán chiến tranh ở Israel ngay sau khi có thông báo rằng ông Joe Biden đã trao 6 tỷ đô la cho Iran”. 

Cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Israel cần “một mối quan hệ đối tác rất mạnh mẽ”.

6 tỷ USD mà Tổng thống Trump nhắc đến là  số tiền trong các quỹ bị hạn chế của Iran bị giữ tại Hàn Quốc. Số tiền này đã được giữ ở Hàn Quốc từ năm 2019 sau khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran. Chính quyền Biden gần đây đã ký một thỏa thuận với Iran để cấp cho Tehran quyền tiếp cận số tiền 6 tỷ đô la đó, đổi lấy việc 5 con tin người Mỹ tại Iran được thả tự do.

“Quyết định này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Ông Biden đang trao 6 tỷ đô la cho quốc gia tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới. … Khoản tiền chuộc của ông Biden sẽ ngay lập tức được sử dụng để gây ra bạo lực, đổ máu và hỗn loạn trên khắp Trung Đông và trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của vô số người vô tội”, cựu Tổng thống Trump đã cảnh báo vào tháng Tám.

Sau vụ tấn công chết chóc của Hamas vào Israel, động thái miễn trừ phong toả sản trị giá 6 tỷ USD của Iran của Tổng thống Biden đã đang bị chỉ trích nặng nề.

“Một tháng trước, ông Trump đã dự đoán rằng 6 tỷ đô la mà ông Biden trao cho Iran sẽ được sử dụng cho các cuộc tấn công khủng bố trên khắp Trung Đông và đặc biệt là bắt cóc”, người dẫn chương trình truyền hình bảo thủ Jack Posobiec viết trong một bài đăng ngày 7 tháng 10 trên X. “Đây chính xác là những gì chúng ta đang thấy ở Israel sáng nay.”

“Israel hiện đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố Hamas do Iran hậu thuẫn”, Thống đốc Florida Ron DeSantis cho biết trong một bài đăng trên X ngày 7 tháng 10. “Iran đã giúp tài trợ cho cuộc chiến chống lại Israel và các chính sách dễ dãi với Iran của ông Joe Biden đã giúp lấp đầy kho bạc của họ”. 

Theo FDD, các chính sách của chính quyền Biden đã “củng cố và khuyến khích” chế độ ở Iran. Trong khi các quan chức của Tổng thống Biden tuyên bố rằng quỹ 6 tỷ đô la chỉ có thể được sử dụng cho mục đích nhân đạo, thì Tổng thống Iran Ebrahim Raisi lại nói rằng nước này sẽ chi tiêu theo cách họ thấy phù hợp.

FDD cho biết: “Dù sao đi nữa, tiền mang tính dễ hoán đổi, vì vậy số tiền mặt mà Iran nhận được sẽ được dùng tự do cho nguồn ngân sách để tài trợ khủng bố”. 

Lập trường của Ả Rập Saudi, Trung Quốc

Cuộc tấn công của Hamas khiến Israel tuyên bố đang có chiến tranh, làm phức tạp thêm nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc đứng ra làm trung gian một thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Israel.

Trong một tuyên bố sau vụ tấn công, Ả Rập Saudi đã có cách tiếp cận thân Palestine. Họ tuyên bố rằng tình hình trong khu vực có thể leo thang “là kết quả của việc tiếp tục chiếm đóng, tước đoạt các quyền hợp pháp của người Palestine và lặp lại các hành động khiêu khích có hệ thống chống lại sự tôn nghiêm của họ”, theo tờ The Times của Israel.

Ông Joost Hiltermann, giám đốc khu vực Trung Đông của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói trong chương trình phỏng vấn với  ông Barron rằng cuộc tấn công của Hamas xảy ra có thể một phần do lo ngại về việc “xuất hiện của vấn đề ‘loại trừ xã hội’ trong mắt của những người Palestine” nếu tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel diễn ra.

Ông Joost Hiltermann nói, với việc Israel đáp trả Hamas mạnh mẽ, các quốc gia Ả Rập có thể cảm thấy buộc phải có lập trường cứng rắn hơn chống lại Israel để ủng hộ cảm xúc của công chúng.

“Nếu tất cả điều đó xảy ra, thì tôi dự đoán một cảnh tượng, tương tự như chúng ta có hòa bình lạnh nhạt giữa Israel và Jordan, giữa Israel và Ai Cập, cuối cùng chúng ta sẽ có mối quan hệ lạnh nhạt giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống và có thể mang đến sự chậm trễ, ít nhất là về bất kỳ loại thỏa thuận nào giữa Israel và Ả Rập Saudi”, ông Hiltermann nói.

Trong khi đó, tuyên bố của chính quyền Trung Quốc về vụ tấn công đã khiến các quan chức Israel tức giận.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/10 kêu gọi hai bên giữ bình tĩnh, nhấn mạnh rằng việc giải quyết xung đột có thể yêu cầu “thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập”, theo Reuters.

Đáp lại tuyên bố trên, ông Yuval Waks, một quan chức cấp cao tại Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh nói rằng họ mong đợi sẽ thấy từ Trung Quốc “sự lên án mạnh mẽ hơn” đối với nhóm khủng bố Hamas.

Ông Waks nói: “Khi người dân đang bị sát hại, tàn sát trên đường phố, đây không phải là lúc kêu gọi giải pháp hai nhà nước”.