Vì sao ISIS-K – tổ chức mà TT. Biden cam kết sẽ “truy lùng” – lại ghét Taliban?
- Tiêu Nhiên
- •
Vụ tấn công khủng bố gây chết người hàng loạt ở Kabul ngày 26/8 đã gây chấn động thế giới, đến nay giết chết 13 lính Mỹ và hơn 100 người Afghanistan. Nhóm khủng bố ISIS-K đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ khủng bố này. Tại sao ISIS-K lại thù ghét Taliban? Tham vọng của họ là gì và đã phát động những cuộc tấn công khủng bố nào?
Vụ đánh bom hôm thứ Năm của ISIS-K là hành động có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay của ISIS-K trên thế giới. Đây cũng là sự cố gây thương vong nhiều nhất cho quân đội Mỹ tại Afghanistan kể từ khi một máy bay trực thăng quân sự của Mỹ bị bắn rơi vào tháng 8/2011 khiến 30 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Biden hứa rằng chắc chắn sẽ có hành động đáp trả.
Tên đầy đủ của tổ chức này là ISIS-Khorasan, các thành viên của họ hoạt động ở Trung Á. Kể từ khi thành lập vào năm 2015, tổ chức này đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, năm 2018 xếp vào danh sách tổ chức khủng bố chết chóc thứ 4 trên thế giới.
Từ sau đó, sự phát triển của tổ chức này đã bị hạn chế và các chiến binh của họ đã không ngừng chiến đấu chống lại Taliban. Trong những năm gần đây họ đã tận dụng tình hình rối ren ở Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo, và việc Mỹ rút quân có thể tạo cơ hội để nhóm khủng bố này khôi phục lại sức mạnh.
ISIS-K được hình thành như thế nào?
Năm 2014, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS tuyên bố “lập nước” tại Iran và Syria. Vài tháng sau, những người lính đã ly khai khỏi Taliban ở Pakistan đã gia nhập nhóm hiếu chiến này ở Afghanistan và thành lập một chi nhánh khu vực, tuyên bố trung thành với thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của Nhà nước Hồi giáo.
Theo giới quan sát của Liên Hiệp Quốc, chi nhánh khu vực này của Nhà nước Hồi giáo cũng đã thành lập thành công “nhóm mai phục” ở Pakistan và các khu vực khác của Afghanistan, bao gồm cả Kabul.
Quan chức tình báo Mỹ từng nói với CNN rằng thành viên của ISIS-K bao gồm “một số chiến binh thánh chiến từ Syria và các phần tử khủng bố nước ngoài khác”, cho biết Mỹ đã xác định được từ 10 đến 15 đặc vụ cấp cao của nhóm này ở Afghanistan.
Các nhà phân tích chống khủng bố ước tính số binh sĩ của tổ chức này hiện vào khoảng 1500-2000, nhưng con số này có thể sẽ sớm tăng lên. Một số thành viên ISIS-K bị bắt đã bị giam giữ trong các nhà tù gần Kabul, theo đà tăng cường tấn công của nhóm ISIS-K là việc Taliban đã chiếm các nhà tù này.
Tại sao lại ghét Taliban?
Những nhân vật quan trọng liên quan đến sự hình thành của ISIS-K bao gồm những kẻ đào tẩu Taliban (chẳng hạn như cựu thành viên Abdul Rauf Aliza của Taliban). Người này đã bị giam giữ một thời gian ngắn ở Vịnh Guantanamo và bị máy bay không người lái của Mỹ bắn chết vào năm 2015 sau khi gia nhập ISIS.
Mặc dù Taliban và nhánh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo thuộc nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Sunni, nhưng họ lại căm thù nhau. Trong tuyên bố của mình, Nhà nước Hồi giáo gọi Taliban là “kẻ phản đạo”. “Nhà nước Hồi giáo” cho rằng Taliban chưa đủ cực đoan nên tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với kẻ thù, cho nên gọi là “kẻ phản đạo”. Đồng thời, họ tiếp tục chiêu mộ các cựu thành viên Taliban tham gia.
ISIS-K đã thực hiện một số vụ tấn công đẫm máu trong những năm gần đây, giết hại dân thường ở nội địa hai nước, bao gồm tại các nhà thờ Hồi giáo, đền thờ, quảng trường công cộng và bệnh viện, đặc biệt nhắm vào những người Hồi giáo mà họ coi là theo phái dị giáo, bao gồm cả người Shiite. Trước đây, Taliban thường tránh tấn công vào các mục tiêu này.
Cả hai bên đều tuyên bố họ là bên tiên phong đích thực của chiến binh thánh chiến, dẫn đến đổ máu. Sau năm 2019, Taliban đã chiếm thế thượng phong, còn ISIS-K lại không làm được như ISIS trong việc duy trì lãnh thổ ở Trung Đông.
Sau khi Taliban chiếm Afghanistan, “Nhà nước Hồi giáo” không chúc mừng như các nhóm thánh chiến khác mà thề sẽ tiếp tục chiến đấu, vì cho rằng Taliban thỏa thuận rút quân với Mỹ là phản bội các chiến binh thánh chiến.
Tham vọng của ISIS-K không chỉ là Afghanistan và Pakistan, họ muốn thành lập một quốc gia ở Nam và Trung Á tuân thủ luật Hồi giáo, đồng thời chiêu mộ người Hồi giáo trên khắp thế giới để mở rộng lãnh thổ.
Trách nhiệm trong những cuộc tấn công nào?
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, tổ chức này chủ yếu dựa vào các vụ đánh bom liều chết, chiến lược tương tự này đã được sử dụng trong vụ đánh bom sân bay Kabul hôm thứ Năm.
Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2021, ISIS-K đã thực hiện 77 cuộc tấn công, một số vụ đánh bom liều chết gây thương vong hàng loạt đã xảy ra ở thủ đô Kabul.
Vào tháng Năm, ISIS-K được cho là đã thực hiện một vụ đánh bom xe hơi bên ngoài một trường trung học nữ, khiến ít nhất 85 người thiệt mạng.
Vào tháng 7/2018, một kẻ đánh bom liều chết ISIS-K đã hại chết 128 người tại một cuộc mít tinh bầu cử ở Maston – Pakistan, đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trên thế giới trong năm 2018.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy trong năm 2018 tổ chức này đã thực hiện 15 vụ tấn công ở những nơi công cộng, khiến 393 người thiệt mạng. Vào dịp kỷ niệm ngày 11/9/2001 đã xảy ra vụ đánh bom trong cuộc biểu tình quy mô lớn ở Nangarhar, Afghanistan làm 68 người thiệt mạng.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Đánh bom liều chết Taliban ISIS-K Afghanistan