Nội bộ Trung Quốc và Mỹ năm 2022 liên quan đến cục diện thế giới
- Vương Đan
- •
Với Trung Quốc và Mỹ, năm 2022 sắp tới sẽ là một năm mang tính cột mốc của “vận mệnh quốc gia”, hơn nữa những thay đổi lớn về chính trị và kinh tế của hai nước chắc chắn sẽ liên quan đến cục diện thế giới và ảnh hưởng đến Đài Loan. Năm 2022 sẽ là một năm rất nhạy cảm của thế giới!
Xin nói về nước Mỹ trước. Điểm nổi bật của nước Mỹ trong năm tới sẽ là cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Cho đến nay, nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng Đảng Dân chủ mất đa số tại Thượng viện và Hạ viện. Đây là cái giá mà chính quyền ông Biden chắc chắn sẽ phải trả trong việc đối phó với nạn dịch và lạm phát kể từ khi lên nắm quyền.
Nếu điều này xảy ra sẽ tác động lớn đến tình hình chính trị Mỹ.
Thứ nhất, nếu Đảng Dân chủ mất Hạ viện, Chủ tịch đương nhiệm Pelosi sẽ không chỉ mất chiếc ghế Chủ tịch mà còn có khả năng sẽ không tái tranh cử nữa. Nếu bà Pelosi rời Hạ viện, đó sẽ là một đòn giáng nặng nề đối với chính quyền đương nhiệm của ông Biden. Đã từ lâu, bà Pelosi dẫn dắt hoạt động của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, được nhiều người ủng hộ nhờ cách làm việc lão luyện, đến nay vẫn để lại ấn tượng mạnh về tinh thần cứng rắn thể hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Nếu bà ấy không còn lãnh đạo Hạ viện, cơ bản hiện nay không thấy được bóng dáng ai trong các phe phái thuộc Đảng Dân chủ có thể đủ bản lĩnh cầm trịch đại cuộc hiện tại đang mâu thuẫn rối ren lớn. Nếu xảy ra tình huống này, chính quyền Biden không chỉ điêu đứng mà còn khó khăn hơn trong việc thúc đẩy các dự luật lớn tại Hạ viện, có thể hình dung rằng điều này cũng sẽ cực kỳ bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Thứ hai, trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, liệu ông Trump có tham gia tranh cử lại hay không là yếu tố quan trọng đang được đông đảo mọi người dõi theo. Hiện tại dù ông Trump thường xuyên bóng gió về một cuộc chiến mới, nhưng rốt cuộc thì ông vẫn chưa chính thức công bố. Nếu Đảng Cộng hòa kiểm soát trở lại Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thì chắc chắn sẽ là động lực lớn cho ông Trump và rất có thể ông sẽ công bố sớm về khả năng tranh cử năm 2024. Gần đây, ông Trump và ông Biden đã ca ngợi nhau về vấn đề vắc xin COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), đó là cảnh tượng khiến vô số người phải sững sờ. Thực tế là hai ông đang cố gắng xây dựng hình ảnh ôn hòa nhằm kiếm phiếu từ những cử tri trung dung. Tất nhiên, nếu Đảng Cộng hòa không giành được Thượng viện và Hạ viện thì có thể “màn kịch” sẽ một lần nữa phải cân nhắc lại.
Náo nhiệt từ phía Trung Quốc cũng không kém cạnh, tất nhiên màn diễn đáng chú ý nhất là Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm sau. Nếu ông Tập Cận Bình quyết tâm tại nhiệm thì e rằng không ai trong ĐCSTQ có thể ngăn cản được. Nhưng không thể ngăn cản không có nghĩa ngồi im để tình hình sóng êm bể lặng. Nội bộ ĐCSTQ hiện nay cho thấy phổ biến xu thế bất mãn với ông Tập, chỉ cần ép ông ấy rút lui sẽ không chỉ nhận đòn phản công mạnh mẽ mà còn ảnh hưởng đến nền tảng ổn định trong cai trị của ĐCSTQ, cho nên khó có khả năng xảy ra cục diện đối kháng quyết liệt một cách công khai. Nhưng Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương lần này được nhiều nhà quan sát mô tả là tương tự như “Hội nghị 7000 người” được tổ chức sau khi Mao Trạch Đông phát động “Đại nhảy vọt” khiến hàng ngàn người chết đói. Tại hội nghị đó, Mao buộc phải thừa nhận bản thân ngây thơ về kinh tế nên đã quyết định rút lui khỏi vai trò lãnh đạo tiền tuyến. Hội nghị công tác kinh tế này cũng vậy, rõ ràng ông Tập Cận Bình đã bị tước đi một phần quyền ngôn luận và quyền thống trị trong công tác kinh tế.
Dự đoán phổ biến của giới quan sát bên ngoài cho rằng tình hình kinh tế Trung Quốc sẽ còn xấu đi trong năm tới. Hiện nay, việc công chức ĐCSTQ ở nhiều địa phương bị giảm lương là chuyện khá phổ biến, vấn đề tài sản của tầng lớp trung lưu bị sụt giảm cũng ngày càng trầm trọng hơn, những điều này đều tạo cơ hội cho các đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình gây rắc rối. Trong một bài viết gần đây bàn về phong cách lãnh đạo của ông Tập Cận Bình được tờ Wall Street Journal công bố, nhấn mạnh chuyện ông Tập can thiệp vào mọi việc lớn nhỏ và cho rằng tất nhiên đây không phải vì ông Tập cần mẫn trong công việc, thay vào đó chủ yếu vì ông đang rất cảnh giác với thân tín xung quanh. Khi ôm đồm vào mình mọi thứ như vậy thì dĩ nhiên áp lực cuộc sống sẽ mệt mỏi. Nói cách khác, nếu những người trong ĐCSTQ ngày càng bất mãn với lãnh đạo Tập của họ và không ngừng gây thêm rắc rối, thì vấn đề giới hạn chịu áp lực của ông Tập ra sao là điều đáng quan sát. Nếu ông Tập thực sự thấy quá mệt mỏi cộng thêm đàm phán thành công trong nội bộ để ông an tâm “hạ cánh”, thì có thể ông sẽ lựa chọn không tái nhiệm, dù khả năng kịch bản này trở thành hiện thực không cao, nhưng cũng không phải không có khả năng xảy ra.
Cuối cùng cần nhắc tới ẩn số nữa, đó là trong nội bộ của hai nước Trung Quốc và Mỹ trong năm 2022 sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, nếu Đảng Cộng hòa Mỹ nắm được cả Thượng viện và Hạ viện thì chắc chắn sẽ là áp lực nghiêm trọng đối với chính sách Trung Quốc của ông Tổng thống Biden, kéo theo xu thế đối đầu cứng rắn Trung – Mỹ chắc chắn sẽ gia tăng, và khả năng trong vấn đề Đài Loan chuyển từ “chiến lượng mơ hồ” sang “chiến lược rõ ràng” cũng sẽ đặc biệt lớn.
Tóm lại, năm 2022, dù là Trung Quốc hay Mỹ, đều sẽ có những “vở kịch lớn” để xem.
Vương Đan
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, được UP Media Đài Loan trao độc quyền đăng tải cho Vision Times).
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình mối quan hệ Mỹ - Trung