Ông Shigeru Ishiba, chính trị gia 67 tuổi mới được các đồng nghiệp trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền bầu làm lãnh đạo đảng và sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 1/10 tới đây, đang đề xuất những ý tưởng ngoại giao phức tạp cho Hoa Kỳ khi lên tiếng kêu gọi cải tổ liên minh quân sự thân cận nhất với Tokyo bằng cách liên kết Washington vào một “NATO châu Á” cũng như triển khai quân đội Nhật Bản trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tóm tắt:

  • Thủ tướng Nhật Bản sắp nhậm chức Shigeru Ishiba nhận định sức mạnh Hoa Kỳ đang “suy giảm tương đối” là lý do chính khiến châu Á cần có một ‘NATO châu Á‘.
  • Hoa Kỳ đã bác bỏ hoàn toàn ý tưởng NATO châu Á, tuyên bố rằng ý tưởng này quá vội vã.
  • Ông Ishiba lên tiếng tuyên bố Nhật Bản cần răn đe các quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.
  • Ông Ishiba muốn triển khai quân đội Nhật Bản đóng quân tại Đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương, lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ. 
Shigeru Ishiba
Ông Shigeru Ishiba đứng dậy cảm ơn các đồng nghiệp sau khi được bầu làm người đứng đầu đảng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào ngày 27 tháng 9 năm 2024 tại Tokyo, Nhật Bản. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ Tự do sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản vào ngày 1 tháng 10, sau khi ông Kishida Fumio từ chức lãnh đạo đảng. (Nguồn ảnh: Hiro Komae – Pool/Getty Images)

Ông Ishiba đã vạch ra kế hoạch của mình trong một tài liệu gửi tới Viện Hudson vào tuần trước. Ông lập luận rằng những thay đổi mà ông đề xuất sẽ ngăn chặn hoàn toàn Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự ở châu Á.

Thiếu vắng một hệ thống phòng vệ tập thể như NATO ở châu Á khiến cho các cuộc chiến tranh dễ dàng xảy ra vì [các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ] không có nghĩa vụ bảo vệ nhau”, ông Ishiba viết trong tài liệu. Cũng giống như nhiều chính trị gia Nhật Bản khác, ông Ishiba đã bày tỏ lo ngại sâu sắc khi nhận thấy Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh chuỗi đảo của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ý tưởng về NATO châu Á trước đó đã bị Washington bác bỏ hoàn toàn rồi. Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng thành lập một NATO châu Á giữa các đồng minh Châu Á với Hoa Kỳ vào lúc này là quá vội vã.

Đồng tình với ông Kritenbrink, ông Joseph Kraft, một nhà phân tích chính trị tài chính tại Rorschach Advisory ở Tokyo, cho hay: “Ông ấy [Ishiba] rất am hiểu về các vấn đề quân sự, nhưng về mặt ngoại giao an ninh quốc gia, ông ấy chưa thực sự thể hiện nhiều năng lực”

Bất chấp những chỉ trích, ông Ishiba đã khẳng định ý tưởng của mình một lần nữa vào thứ Sáu (27/9). Trong buổi họp báo sau khi có kết quả bỏ phiếu, ông Ishiba nhận định “sức mạnh Hoa Kỳ [đang] suy giảm tương đối” khiến ý tưởng táo bạo thành lập một tổ chức hiệp ước châu Á giữa các đồng minh thân cận và Hoa Kỳ là điều cần thiết.

Kể từ khi thất bại trong Thế chiến II, Nhật Bản đã được Washington bảo trợ trong nhiều năm. Nhật Bản được Hoa Kỳ bảo vệ bằng kho vũ khí hạt nhân cùng với một hàng không mẫu hạm, nhiều chiến đấu cơ và khoảng 50.000 binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản.

Những ý tưởng có tiềm năng gây xáo trộn mạnh mẽ của ông Ishiba được đưa ra vào thời điểm Hoa Kỳ đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với các đồng minh Châu Á. Trong khi đó, Tokyo cũng đang nỗ lực hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc và Úc, cũng như thiết lập mối quan hệ an ninh với các quốc gia châu Âu, bao gồm Anh và Pháp, nhằm đối phó với ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Ý tưởng về NATO châu Á của ông Ishiba sẽ kết hợp một loạt các hiệp ước ngoại giao và an ninh hiện có giữa Washington và các đồng minh, trong đó có nhóm Bộ Tứ  – Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ – và thỏa thuận AUKUS giữa Canada, Hoa Kỳ và Anh, cùng với bang giao hợp tác an ninh ngày càng sâu rộng của Nhật Bản với Hàn Quốc, quốc gia láng giềng và cũng là đối thủ lâu năm. 

Liên minh an ninh mới này, theo ông Ishiba, thậm chí có thể chia sẻ quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Washington như một biện pháp răn đe đối với các quốc gia láng giềng của Nhật Bản cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Trong những buổi vận động tranh cử trước cuộc bỏ phiếu vào hôm thứ Sáu (27/9), ông Ishiba đồng thời tuyên bố rõ ràng rằng ông mong muốn cân bằng lại liên minh giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ, như việc giám sát chặt chẽ hơn các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Các căn cứ đó là nguồn cơn khiến dân chúng địa phương thường xuyên căng thẳng với các binh sĩ Hoa Kỳ. 

Trong tài liệu gửi Viện Hudson, ông Ishiba cũng cho rằng liên minh quân sự giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ cần sửa đổi để cho phép Tokyo triển khai quân đội tại Đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương, lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ, lần đầu tiên kể từ năm 1944.

Ông Rintaro Nishimura, cộng sự tại The Asia Group Japan, nhận xét: “Tôi dám chắc điều đó sẽ không xảy ra. Có vẻ như ông ấy [Ishiba] đang cố gắng thay đổi một cách căn bản mối bang giao này, nhưng không phải theo cách hoàn toàn tiêu cực”.