12 tổ chức đề nghị dừng triển khai nhà máy nhiệt điện than mới
- Hoàng Minh
- •
12 tổ chức, liên minh xã hội – nghề nghiệp đồng thuận về nguy cơ hủy hoại môi trường, sức khỏe con người, đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý nếu duy trì và xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch Điện 7 (điều chỉnh) đối với Việt Nam và khu vực. Do đó, các tổ chức, liên minh đề xuất dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than này.
12 liên minh, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền – sức khỏe – môi trường – năng lượng – pháp lý đã ra “Tuyên bố Hà Nội về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên lãnh thổ Việt Nam”.
Theo tuyên bố, nhóm đã họp tại Hà Nội vào ngày 30/12 để thảo luận về lộ trình và mục tiêu thực hiện phát triển bền vững (SDGs, 2030) mà Việt Nam đã cam kết tham gia và là một thành viên tích cực.
Trong buổi họp, nhóm đã phân tích ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc “Xây dựng các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh)” tại Hội nghị tổng kết ngành công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 27/12.
Theo đó, các liên minh đã ghi nhận và đánh giá cao ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh”.
Kết luận này của Thủ tướng Chính phủ cũng là câu trả lời cho phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi trước đó, đã “đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”.
>> ‘Kiến nghị các tỉnh phía Nam không được phản đối nhiệt điện than’
“Chúng tôi cũng ghi nhận các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Huế, Tiền Giang đã mạnh dạn bác bỏ các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký năm 2016) để thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch hơn” – tuyên bố nêu.
Cũng theo tuyên bố, các liên minh cho rằng cần tuân thủ các nguyên tắc, mục tiêu, giá trị và quy định chung được nêu trong Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc; Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan.
Liên minh cũng đồng thuận về nguy cơ hủy hoại môi trường, sức khỏe con người, đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý của việc duy trì và xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch Điện 7 (điều chỉnh) đối với Việt Nam và khu vực.
Tuyên bố đưa ra quan điểm đồng thuận về các nguồn năng lượng mới có thể thay thế bảo đảm cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Trên thế giới đang xuất hiện trào lưu rút vốn khỏi các nguyên liệu hóa thạch với số lượng ngân hàng thoái vốn khỏi các dự án nhiệt điện than ngày một nhiều để chuyển sang tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng bền vững.
Bà Bùi Thị An – cựu Đại biểu Quốc hội, đại diện Nhóm Công lý, môi trường và sức khỏe nhấn mạnh tại buổi tọa đàm công bố tuyên bố: “Chính phủ nên tính toán giá minh bạch và đầy đủ của nhiệt điện than từ đó mới có thể so sánh với các dạng năng lượng khác để chúng ta lựa chọn đúng với mục tiêu phát triển bền vững 3 trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Dứt khoát không đánh đổi kinh tế với môi trường, đảm bảo môi trường trong sạch cho mọi người dân chúng ta, sống không bệnh tật, sống khỏe để xây dựng đất nước Việt Nam”.
Trong kết luận của tuyên bố, các liên minh đã đưa ra các đề xuất:
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than trong danh sách kèm theo để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án này;
- Chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo.
- Bảo đảm thực thi các quy định nêu trong Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan về dân chủ cơ sở trong việc tham vấn ý kiến người dân và các tổ chức đại diện cho người dân trong triển khai các dự án năng lượng, ngay từ khâu lập kế hoạch.
- Yêu cầu các nhà máy nhiệt điện công khai dữ liệu quan trắc môi trường (nước thải và khí thải) tới người dân và công chúng để đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.
12 liên minh, tổ chức tham gia Tuyên bố Hà Nội: |
Hoàng Minh
Từ khóa Việt Nam nhiệt điện than