’40 năm làm nghề y, chưa bao giờ luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng như bây giờ’
- Nguyễn Quân
- •
Bác sĩ Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho hay 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Trong đợt dịch COVID-19, cán bộ y tế gồng mình làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm mà thù lao cấp cơ sở chỉ 18.600 đồng/đêm.
Sáng 13/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu đã đưa ra những đóng góp về hệ thống y tế, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế, biện pháp ngăn chặn tiêu cực, đánh giá năng lực hành nghề ngành y…
‘Luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật’
Trong bản tham luận đưa ra 3 ý kiến đóng góp, bác sĩ Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung vào Điều 18 dự thảo luật chức danh nghề nghiệp “y sĩ, y học cổ truyền”, đồng thời lưu ý nhóm này rất nhiều và không phải tất cả đều là lương y; bổ sung tại Điều 42 các loại hình trung tâm y tế, trung tâm sức khỏe, trung tâm chẩn đoán trong nhóm hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ông Trí cho hay khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) mà Ban soạn thảo để trình lần này là quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ.
“Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng 4.0, công cuộc chuyển đổi số đang triển khai mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực – bao gồm cả y tế. Ngay y tế Việt Nam hiện nay thì ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đang được áp dụng khá thành công trong việc tư vấn, hội chẩn, đào tạo…
Thế nhưng trong Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lần này chỉ duy nhất ở Điều 55: “Khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa” rất ít ỏi, nửa vời và qua loa. Chúng tôi đã góp ý nhiều lần, việc quy định như vậy là không đủ, là thiếu tầm nhìn”, ông Trí nhận định.
Theo vị đại biểu, điều này sẽ dẫn đến ít nhất 3 hệ quả tiêu cực. Thứ nhất, người dân – nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ không có cơ hội được khám chữa bệnh với những người thầy thuốc giỏi, sẽ không tiếp cận được những dịch vụ y tế hiện đại; hiện tượng sắp hàng chờ đợi, quá tải ở các bệnh viện lớn vẫn khó giảm bớt. Khám chữa bệnh Việt Nam khó hội nhập được với quốc tế. Y tế VN bị đẩy lùi hàng chục năm.
Thứ hai, ai làm, dám làm để giúp cho bệnh nhân thì thiếu đi hành lang pháp lý nên rất dễ bị quy là làm sai, là vi phạm…
Thứ ba, do thiếu hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ – đó lại là cơ hội để lòng tham nảy nở, để trục lợi bảo hiểm xảy ra, để hiện tượng móc túi người bệnh hoành hành.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tập trung soạn thảo cách đầy đủ, chặt chẽ và khả thi quy định về khám chữa bệnh từ xa, cần mở hẳn một chương để triển khai bổ sung thêm các nội dung đã đề cập ở Điều 55.
Mở rộng hơn, đại biểu Trí cho biết luật pháp về ngành y đang bị khủng khoảng nghiêm trọng.
“Đã tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ tôi thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ”, ông Trí nói, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội đã tăng cao, y học phát triển quá nhanh, mà áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn “cứu bệnh như cứu hỏa”.
Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã càn quét, làm tổn hại sức khỏe người dân một cách nặng nề, rồi yêu cầu “chống dịch như chống giặc” đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.
“Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chị có 18.600 đồng một đêm. Những quy định của luật pháp, không còn phù hợp để chống dịch đã “bó tay” ngành y. Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó. Cơn bão Việt Á đã nổi, y tế cả nước chao đảo, […] và thiệt hại thòi lớn nhất xảy ra cho chính người bệnh.”
Ông Trí cho hay những nhân viên y tế trong chống dịch COVID-19 đã nhìn thấy, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm,… đang bị đứt gãy nghiêm trọng: vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, vì các Công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ; và vì việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở y tế, Bộ y tế đang bị đình đốn vì họ còn bận phải làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra… Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được.
Bác sĩ Trí kêu gọi Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề rất cấp bách của y tế như nhân sự, nhân lực y tế; về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y, rộng hơn là hoàn thiện hơn thể chế, đồng bộ những vấn đề pháp lý cho ngành y tế.
Về giải pháp, theo vị đại biểu, trước mắt cần triển khai cho được những nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, để chống dịch, để khám chữa bệnh, và cũng cả để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.
Đồng thời, phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý – bao gồm cả Luật như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch, và cả những luật khác có liên quan như Luật về giá, Luật Đấu thầu mua sắm, Luật Tài sản công…; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện…
Cần có ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn
Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) cho hay Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù cho khám bệnh, chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.
Lý do vì điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở y tế ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, đội ngũ cán bộ y tế thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực phù hợp thì chủ trương khám bệnh, chữa bệnh triển khai toàn diện, từ tuyến cơ sở, cấp huyện, cấp xã trừ trường hợp bệnh mắc bệnh hiểm nghèo mới chuyển lên tuyến trên, sẽ không khả thi.
Việc có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này sẽ giúp đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác; cần chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật chưa có định nghĩa về y tế cơ sởGiám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà – đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho hay về hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh, dự thảo chia 3 cấp (cấp ban đầu, cấp cơ bản, cấp chuyên sâu). Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc sắp xếp lại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; vấn đề khám chữa bệnh ban đầu. Bà Hà chỉ rõ dự thảo Luật cũng chưa có định nghĩa về y tế cơ sở, chưa rõ phạm vi y tế cơ sở, mối liên hệ y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn khi quy mô dân số hơn 100.000 dân nhưng vẫn chỉ có 1 trạm y tế. Theo bà Hà, dù ngành y tế có nhiều biện pháp nhưng chưa hiệu quả. Do đó, tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ song cần mô hình cụ thể. |
Nguyễn Quân
Từ khóa Dòng sự kiện