45% chợ truyền thống TP.HCM bị tạm đóng cửa, Sở Công thương yêu cầu cân nhắc cho tiểu thương
- Minh Sơn
- •
Sau một ngày Sở Công thương TP.HCM ra văn bản khẩn yêu cầu đánh giá lại việc đóng cửa hàng loạt chợ truyền thống, thêm 12 chợ tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động theo quyết định của giới chức địa phương. Tổng số chợ truyền thống phải tạm đóng cửa tại TP.HCM hiện là 105/234 chợ, chưa kể con số bị ảnh hưởng trong hệ thống cửa hàng tiện lợi và siêu thị.
Trong văn bản khẩn tối 1/7, Sở Công thương cho biết có 93/234 chợ đang tạm ngưng hoạt động do liên quan các ca nhiễm virus Vũ Hán (nCov). Tuy nhiên, trong ngày 2/7, thêm 12 chợ bị buộc đóng cửa, nâng tổng số lên 105/234 chợ , xấp xỉ 45%. Trong đó, có 1 chợ đầu mối và 104 chợ lẻ tại TP.HCM, theo thống kê của các quận, huyện và TP đến 18h ngày 2/7, báo Người Lao Động đưa tin.
Ngoài ra, TP.HCM còn 60 cửa hàng tiện lợi và một số siêu thị như Tops Market An Phú, Vinmart Thảo Điền… đóng cửa do liên quan đến các ca nhiễm COVID-19.
Tại văn bản tối 1/7 gửi UBND TP Thủ Đức và UBND các quận huyện, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu giới chức địa phương kiểm tra, đánh giá lại tình hình để đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương và duy trì cung ứng lương thực cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Cụ thể, đối với các chợ tạm ngưng hoạt động, cần thống kê rõ số lượng tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, thời điểm ngưng hoạt động, lý do ngưng hoạt động, cũng như dự kiến thời gian hoạt động trở lại.
Đối với các chợ tạm đóng cửa do có liên quan các ca lây nhiễm, Sở Công thương yêu cầu tiến hành ngay việc cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, xét nghiệm… và các biện pháp khắc phục khác theo quy định của cơ quan y tế. Chủ động xem xét, đánh giá, triển khai các biện pháp cần thiết để đưa chợ hoạt động trở lại sớm nhất.
Trường hợp chợ buộc phải đóng cửa do không đảm bảo quy định, tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, TP Thủ Đức và các quận huyện cần nghiên cứu rà soát các tiêu chí chưa đạt, không đủ điều kiện, để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng hoạt động trở lại.
Đáng lưu ý, Sở này yêu cầu giới chức các địa phương phải giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường trên địa bàn.
Ngoài đánh giá tình hình để quyết định mở lại hay tiếp tục đóng cửa chợ, Sở này yêu cầu giới chức các địa phương liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa, thảo luận về việc tổ chức điểm bán hàng để thực hiện theo hướng bán hàng đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước.
Sở Công thương yêu cầu không được để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá trên địa bàn, vừa thực hiện tốt việc phòng ngừa dịch.
Trước tình trạng quá nhiều chợ, cửa hàng tiện lợi tiếp tục đóng cửa, chiều tối ngày 2/7, Sở Công Thương TP.HCM một lần nữa gửi văn bản đến UBND các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát tình hình, thực hiện các quy trình xử lý theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để sớm đưa vào hoạt động trở lại.
Ngoài hệ thống chợ truyền thống, trong tháng 6, nhiều siêu thị lớn tại TP.HCM cũng phải tạm ngưng hoạt động, do liên quan các ca mắc COVID-19 là nhân viên hoặc khách hàng là F0 đi mua sắm. Trong TP, còn 60 cửa hàng tiện lợi và một số siêu thị như Tops Market An Phú, Vinmart Thảo Điền… đóng cửa, trong đó một số cửa hàng đang hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn của HCDC để mở cửa lại trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, những cửa hàng nằm trong khu vực bị phong tỏa sẽ phải kéo dài thời gian đóng cửa cho đến khi cả khu vực được gỡ phong tỏa.
Đến cuối ngày, 2/7, 3 siêu thị lớn gồm Vinmart Cộng Hòa , Coopmart Hoàng Văn Thụ và MM Mega Marker An Phú đã mở cửa trở lại.
Ở kênh mua sắm, 5 cửa hàng tiện lợi mở cửa trở lại, gồm cửa hàng Co.opSmile 125 Bùi Đình Tuý, Co.opsmile 65 Lý Thường Kiệt, Bách hóa xanh 161 Bình Mỹ, Bách hóa xanh 288 Phan Huy Ích, Satrafood 2-4-6 Lê Thị Riêng.
Minh Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Tiểu thương thiệt hại kinh tế do dịch viêm phổi Vũ Hán COVID-19 TP.HCM tạm đóng cửa chợ truyền thống