Bị chẩn đoán sai, nhiều trẻ dưới 1 tuổi mắc sốt xuất huyết nguy kịch
- Minh Long
- •
Một tháng nay, bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị sốt xuất huyết nặng, nguyên nhân ban đầu là do phòng khám tư, cơ sở y tế chẩn đoán sai bệnh.
- TP.HCM có 16 ca tử vong do sốt xuất huyết ở 11 quận, huyện
- Sốt xuất huyết tăng đột biến, Đắk Lắk thiếu hơn 100 lít hóa chất để phun diện rộng
- Gần 3.500 túi thuốc trị sốc sốt xuất huyết phải tiêu hủy, trong khi nhiều BV còn thiếu
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, trường hợp đầu tiên là bé gái 8 tháng tuổi, ở Đồng Tháp.
Bé rơi vào nguy kịch ngay khi nhập bệnh viện tuyến dưới. Trước đó, trẻ sốt cao liên tục 3 ngày, ho sổ mũi, ói nhiều lần ra dịch lợn cợn nâu, bụng chướng, nổi chấm xuất huyết trên da. Gia đình đã đưa trẻ đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương.
Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ nhiễm sốt xuất huyết, dung tích hồng cầu giảm còn 25%, tiểu cầu 23000/mm3 (bình thường 200.000-300.000/mm3), men gan tăng cao. Các bác sĩ phải chống sốc tích cực với dung dịch điện giải, dung dịch cao phân tử, truyền máu và chuyển lên TP.HCM.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ được tiếp tục điều trị chống sốc, truyền máu, hỗ trợ gan và có cải thiện. Nhưng đến ngày thứ 7-8 trẻ sốt trở lại. Xét nghiệm máu cho thấy trẻ rơi vào hội chứng thực bào máu sau sốt xuất huyết. Suốt 3 tuần điều trị tiếp theo, trẻ mới hồi phục.
Trường hợp thứ hai là bé trai 11 tháng tuổi, ở Tiền Giang. Bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục 4 ngày, tiêu chảy nhiều lần. Tại phòng khám tư gần nhà, trẻ được chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng và cho uống thuốc (không rõ loại).
Đến ngày thứ 5, trẻ bớt sốt nhưng lừ đừ, tiêu lỏng, phân xanh, tay chân lạnh. Người nhà vội đưa trẻ đến bệnh viện địa phương và được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiếp tục truyền dịch chống sốc, xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị sốt xuất huyết, thể tích hồng cầu giảm, tiểu cầu giảm, men gan tăng cao. Suốt 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ mới cải thiện dần, men gan trở về bình thường.
Tiếp đó, là hai bệnh nhi N.T.H.7 tháng tuổi và P.L.M. 9 tháng tuổi ngụ tại Long An cũng nhập viện trong tình trạng nặng tương tự.
Hai bé sốt, ho sổ mũi 4 ngày. Gia đình đã đưa trẻ tới khám tại phòng khám bác sĩ tư. Tại đây, trẻ được chẩn đoán viêm hô hấp trên và điều trị kháng sinh, hạ sốt, giảm ho.
Đến ngày thứ 5, tình hình vẫn không cải thiện nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Tại đây, trẻ được thực hiện các xét nghiệm, xác nhận bị sốc sốt xuất huyết. Trẻ đã được điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Tình trạng các trẻ cải thiện dần, phục hồi sức khỏe sau 3 ngày điều trị và đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Tiến, sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi, một số trường hợp biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói… Điều này dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng, dễ bỏ sót không theo dõi bệnh sốt xuất huyết. Trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng.
Trẻ sốt từ 2-3 ngày trở lên cần được nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác, từ đó điều trị thích hợp. Cần đưa ngay vào viện nếu thấy bé sốt trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, lơ mơ; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đỏ; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến sáng 27/7, đã có 16 ca tử vong do sốt xuất huyết, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài huyện Củ Chi nhiều nhất với 4 trường hợp, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh mỗi địa phương có 2 trường hợp, các quận 6, 7, 8, 11, 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và TP. Thủ Đức mỗi địa phương ghi nhận một trường hợp.
Số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy là 32.011 ca (18.196 ca nội trú và 13.815 ca ngoại trú), tăng tới 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8.128 ca); tăng 122,7% so với cùng kỳ giai đoạn 2016 – 2020 (14.374 ca). TP.HCM luôn chiếm 1/3 số ca mắc ở phía Nam.
Từ khóa TP.HCM sốt xuất huyết Dòng sự kiện trẻ nguy kịch do sốt xuất huyết