Bình Dương: 3 người nghi dùng căn cước gắn chip giả để trục lợi
- Minh Long
- •
Xác thực vân tay người làm hồ sơ rút bảo hiểm một lần, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương phát hiện 3 trường hợp nghi dùng căn cước gắn chip giả để trục lợi.
Thông tin trên do bà Lê Minh Lý, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, nói tại Hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023.
“Tổng số tiền nếu được tiếp nhận và giải quyết ước tính lên đến gần 200 triệu đồng”, bà Lý cho biết.
Cơ quan này đã báo cáo công an xử lý, đồng thời phát cảnh báo tới các đơn vị về tình trạng giả mạo giấy tờ trong giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là căn cước gắn chip.
Từ tháng 11/2022, Bình Dương thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước gắn chip trong tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính và đặt lịch làm việc trực tuyến.
Sau 8 tháng, đã có khoảng 20.000 người nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa được xác thực sinh trắc, bình quân mỗi ngày 200 – 220 người.
Theo bà Lý, dù hệ thống có lúc bị lỗi, chậm kết nối, nhưng công cụ sinh trắc hỗ trợ việc phát hiện tình trạng giả mạo giấy tờ làm hồ sơ rút Bảo hiểm xã hội.
Bà Lý kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm triển khai ứng dụng này trên cả nước, nâng cấp phần mềm nghiệp vụ để lưu lại thông tin lẫn lịch sử sinh trắc của người làm hồ sơ để sau này còn đối chiếu.
Theo Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, thống kê dữ liệu do ngành quản lý tới ngày 15/7 mới có 91% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cập nhật số định danh cá nhân, căn cước và được xác thực lẫn đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Còn 9% chưa được xác thực đúng (khoảng 7,5 triệu người).
Đề án 06 có tên “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2022.
Đề án hướng tới 5 tiện ích như: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu triển khai ứng dụng tính năng của chip điện tử trên căn cước công dân với lĩnh vực tài chính, ngân hàng; phục vụ công dân số trong các loại giấy tờ; khai thác làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.
Từ khóa Bảo hiểm xã hội Bình Dương trục lợi bảo hiểm căn cước gắn chip