Trong dự toán ngân sách năm 2025, Bộ Công an được bố trí 5.307 tỷ đồng, tương ứng 85% nguồn thu xử phạt hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thực nộp ngân sách nhà nước năm 2023.

bo cong an trich 85 tien xu phat giao thong nam 2023
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 13/11, Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 đã được thông qua với 432/432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng thời, Chính phủ được giao bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025

Quốc hội yêu cầu Chính phủ kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ Công an được sử dụng hơn 5.300 tỷ đồng ngân sách trong năm 2025

Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2025 là hơn 1,02 triệu tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng.

60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là hơn 1,52 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự toán 248.786 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm hơn 14.434 tỷ đồng để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2025 không thấp hơn năm 2023).

Bộ Công an được bố trí 5.307 tỷ đồng, từ chi thường xuyên lĩnh vực các hoạt động kinh tế, tương ứng 85% nguồn thu xử phạt hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thực nộp ngân sách nhà nước trong năm 2023. Nguồn kinh phí này dùng để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, 936,5 tỷ đồng, tương ứng 15% số phát sinh thực tế trên địa bàn địa phương, được ngân sách Trung ương bổ sung bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tại dự thảo Nghị định Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước đưa ra hồi đầu tháng 10, Bộ Công an được đề xuất xây dựng dự toán tương ứng với 85% số tiền thu từ xử phạt giao thông đường bộ và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe của năm trước liền kề đã nộp ngân sách nhà nước. Số kinh phí trên được dùng để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

Với các cơ quan khác, dự thảo đề xuất mức dự toán tương ứng với 15% số tiền thu từ xử phạt giao thông đường bộ.

Đây là dự thảo do Bộ Công an xây dựng, nhằm hướng dẫn chi tiết Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Vẫn theo nghị quyết, từ năm 2024, 100% số thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được đưa về ngân sách trung ương.

Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách trung ương 100% và thực hiện phân chia 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết được sử dụng cho đầu tư phát triển; ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế. Phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Bổ sung hơn 21.000 tỷ đồng viện trợ không hoàn lại cho dự toán thu ngân sách 2024

Quốc hội cũng quyết định điều hành ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là hơn 21.000 tỷ đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, gồm: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (chi sự nghiệp quản lý hành chính); Bộ Giao thông Vận tải (chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề); Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình (chi sự nghiệp kinh tế).

Điều chỉnh dự toán chi thường xuyên nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài năm 2024 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Cho phép từ ngày 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.

Cho phép chuyển nguồn 18.220 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024.

Cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ địa phương khác thực hiện nhiệm vụ này trong trường hợp địa phương không sử dụng hết nguồn; thực hiện chuyển nguồn số kinh phí chưa sử dụng hết sang năm 2025. Giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện.

Nguyễn Quân