Chỉ trong tháng 5, cầu Long Biên (Hà Nội) đã liên tiếp xảy ra 2 sự cố rơi tấm đan ở làn xe máy và làn cho người đi bộ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

lo thung cau long bien
Vị trí mặt cầu Long Biên bị thủng là một tấm đan sắt có đường kính dài khoảng 1 mét, rộng khoảng 0,6 mét. (Ảnh: hanoitv.vn)

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt (VNR) khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng, nguy cơ mất an toàn về kết cấu thép vị trí đỡ tấm đan, các tấm đan bê tông cốt thép, mặt đường bê tông nhựa… của cầu Long Biên.

VNR rà soát tổng thể các hạng mục dự kiến cần đầu tư, sửa chữa, khôi phục; trong đó, xác định rõ tổng mức đầu tư, lộ trình đầu tư và nguồn vốn thực hiện.

Vụ Kế hoạch đầu tư được giao rà soát, cân đối, kiến nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn đầu tư để thực hiện đầu tư, cải tạo cầu Long Biên trên cơ sở rà soát, đánh giá của VNR.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện việc rào chắn các lối đi xuống bãi giữa sông Hồng để cấm xe máy đi trên phần đường bộ; cắm biển cấm xe máy đi trên phần đường bộ; ngăn xe ba bánh chở hàng nặng đi qua cầu.

Trước đó, chỉ trong tháng 5, cầu Long Biên đã liên tiếp xảy ra 2 sự cố rơi tấm đan ở làn xe máy và làn cho người đi bộ.

Gần đây nhất, vào lúc 10h30 ngày 28/5, tại vị trí dầm D1/10 phần đường dành cho xe máy, phía thượng lưu hướng quận Hoàn Kiếm đi quận Long Biên xuất hiện lỗ thủng lớn, nhìn rõ nước dưới lòng sông gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông trên cầu.

Ông Tạ Quang Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý, duy tu, bảo trì cầu) cho biết, vị trí mặt cầu Long Biên bị thủng là một tấm đan sắt có đường kính dài khoảng 1 mét, rộng khoảng 0,6 mét.

“Sự cố sụt tấm đan mặt cầu ngày 28/5 có thể do một xe ba bánh chở hàng nặng chạy qua, dẫn đến thủng mặt cầu”, ông Sơn nói.

Về nguyên nhân sự việc, ông Sơn cho biết kết cấu thép đỡ tấm đan lâu ngày sử dụng bị han rỉ, mất liên kết, kết hợp mưa nhiều ngày trước đó nên chưa kịp thời phát hiện. Hơn nữa, cầu Long Biên đã xây dựng và khai thác được 121 năm, đã quá tuổi sử dụng cho giao thông nhưng mật độ giao thông vẫn rất đông.

Trước đó, ngày 4/5, phần đường dành cho người đi bộ cũng bị gãy, rơi một tấm đan xuống sông.

Hồi tháng 4/2021, mặt cầu hai bên cánh gà cầu Long Biên đã xuất hiện nhiều vị trí bị thủng và rạn nứt, bong tróc trơ lõi thép. Lãnh đạo công ty Đường sắt Hải Hà và lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đều cho biết do chậm nhận được tiền bảo trì theo định kỳ nên việc duy tu, sửa chữa hư hỏng mặt cầu bị ảnh hưởng, theo báo Tiền Phong.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, được xây dựng từ thời thuộc Pháp và đưa vào sử dụng năm 1902, đến nay cầu đã có tuổi thọ 121 năm.

Cầu dài 1,6 km. Gần 10 năm nay, cầu chưa được đại tu (sửa chữa lớn). Việc duy tu sửa chữa của đơn vị quản lý, bảo trì chỉ dừng ở việc sửa chữa nhỏ (hỏng đâu sửa đấy), chưa có dự án sửa chữa tổng thể để khắc phục các hư hỏng đột xuất có thể xảy ra.

Hiện mặt đường bộ 2 bên cánh gà chỉ sử dụng cho xe máy, xe thô sơ qua lại, cầm cấm ô tô, xe ba bánh.

Kim Long