Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm khẳng định nhiều cơ quan đã bị thao túng, có quan hệ “doanh nghiệp sân sau” trong các vụ án lớn như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu…

bo truong to lam 2023
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại buổi chất vấn sáng 7/11. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ sáng 7/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (Phó giám đốc Sở Giáo dục Đồng Nai) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an trả lời về việc điều tra án tham nhũng sắp tới ra sao, sao cho không bỏ lọt, không hàm oan, mang tính cảnh tỉnh theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực”.

Trả lời chất vấn nói trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay chống tham nhũng là hoạt động trọng tâm của ngành công an trong thời gian qua.

Ông Lâm khẳng định nội bộ ngành công an đã được “làm sạch”, cho rằng đây là một trong những việc cần làm để chống tham nhũng. “Muốn làm chống tham nhũng tiêu cực được thì phải sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức và làm trong sạch nội bộ”, ông Lâm nói.

Tiếp đến, ông Lâm khẳng định các cá nhân tham nhũng đã bị điều tra, truy tố, xét xử theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất kỳ ai… thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước”.

Không để đối tượng trốn ra nước ngoài và cũng không dám trốn ra nước ngoài” – Bộ trưởng Bộ Công an tuyên bố.

Nói về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an đề nghị 4 giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, thấy những sơ hơ thiếu sót thì phải khắc phục ngay. Ông Lâm dẫn chứng các lĩnh vực bị kiến nghị như tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm…

“Thứ hai, bổ sung những quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. Cần có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành đối tượng có thể thao túng nhiều cơ quan, như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu”, ông Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an nói về tình trạng bắt tay tham nhũng giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. (Nguồn: quochoi.vn)

Ông Lâm nhấn mạnh vào khâu xử lý đối tượng, cho rằng hiện nhóm tham ô tham nhũng bị xử lý với hai tội danh chính là tham ô tài sản và đưa hối lộ và nhận hối lộ.

“Bản chất của tội tham ô tài sản là ăn cắp tài sản của nhà nước, của nhân dân về làm của riêng của mình”, ông Lâm nói

Với nhóm tội phạm đưa hối lộ và nhận hối lộ – ông Lâm khẳng định việc này là phổ biến, phổ biến đến mức trong các vụ án tham ô tham nhũng vừa công bố, “chúng tôi chưa bắt đối tượng nào không nhận tiền”.

“Ở đâu đó có ý kiến rằng vì xử lý [tham nhũng] quá cán bộ không dám làm. Không phải. Không phải làm trái, không phải lợi dụng chức vụ quyền hạn mà là nhận hối lộ”, ông Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh các giải pháp trên, ông Lâm đề cập đến chuyển đổi số, cho rằng đây là một trong những giải pháp để hạn chế tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt đang nhức nhối.

Đầu tháng 6/2022, Bộ Công an công bố Công ty CP Công nghệ Việt Á thu lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi hoa hồng khoảng 800 tỷ đồng. Tại kết luận điều tra công bố vào ngày 7/8/2023, Bộ Công an xác định số tiền Công ty Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng.

Giải thích về con số chênh lệch nhiều tỷ đồng nói trên, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 9/9, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho rằng con số cũ là từ lời khai ban đầu của các bị can. Còn con số đưa ra tại kết luận điều tra là dựa trên chứng cứ. “Chỉ khi có đủ căn cứ chứng minh ông Việt đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì cơ quan điều tra mới kết luận”, ông Xô nói, “chứng cứ rõ đến đâu kết luận đến đó”, một số tỉnh vẫn đang điều tra.

Nguyễn Quân