BOT Cai Lậy xuống cấp nghiêm trọng, Tổng cục Đường bộ đề xuất 2 phương án ‘giải cứu’
- Kim Long
- •
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT hai phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), trong bối cảnh nhiều đoạn trên tuyến đường tránh đang hư hỏng, xuống cấp, gây nhiều vụ tai nạn giao thông.
Phương án 1: Tạm thời thu hồi toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT này và giao cho Cục Quản lý đường bộ 4 tổ chức khai thác, quản lý, bảo trì.
Cục Quản lý đường bộ 4 sẽ bàn giao lại toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi dự án BOT đủ điều kiện được thu phí trở lại.
Phương án 2: Báo cáo Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng BOT với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; thu hồi lại toàn bộ dự án BOT để Nhà nước tổ chức quản lý, khai thác.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian vừa qua, dự án BOT này xuất hiện nhiều hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện ổ gà, sình lún chưa sửa chữa.
Bên cạnh đó, hệ thống biển báo, cọc tiêu hư hỏng gây nguy cơ mất ATGT cao. Đặc biệt là khu vực đang xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1, khu vực nút giao tuyến tránh với Đường tỉnh 868.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện dự án BOT này vẫn còn rất nhiều nội dung vướng mắc chưa được tháo gỡ, nhiều tồn tại vượt quá thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Đường bộ. Theo báo cáo của nhà đầu tư, tình hình tài chính, năng lực tổ chức hoạt động của dự án BOT đang rất khó khăn.
Hơn nữa, tiến độ xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy cũng rất chậm, chưa đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, tính đến thời điểm ngày 10/12/2021, khối lượng sửa chữa bảo trì do Cục Quản lý đường bộ 4 thực hiện đã lên tới hơn 10 tỷ đồng nhưng chưa có nguồn thanh toán.
Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện xây dựng trạm thu phí mới xong trước ngày 31/12/2021.
Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km kinh phí trên 300 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành năm 2017, bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, BOT Cai Lậy vấp phải phản đối dữ dội từ cánh tài xế và người dân khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm.
Họ cho rằng việc thu phí là vô lý bởi đã đóng phí bảo trì đường bộ, không đi đường đầu tư BOT nên không phải nộp tiền phí BOT, chưa kể mức phí quá cao (thấp nhất là 35.000 đồng/lượt cho 12 km đường tránh).
Bốn tháng sau, trạm BOT Cai Lậy dừng thu, chờ Bộ GTVT trình phương án giải quyết.
Tháng 8/2019, tỉnh Tiền Giang đề xuất phương án xây thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh BOT Cai Lậy. Với phương án này, trạm thu phí hiện hữu sẽ thu hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (đoạn qua Tiền Giang), còn trạm mới thu cho dự án xây tuyến tránh. Trạm nào hoàn vốn xong sẽ được dỡ bỏ.
Bộ GTVT chấp thuận đề xuất trên hồi tháng 2/2020. Tháng 11/2020, trạm thu phí trên tuyến tránh được xây dựng.
Ban đầu, các bên có liên quan dự định hoàn thành trạm thu phí BOT trên tuyến tránh vào tháng 4/2021 để tiến hành thu phí trở lại vào tháng 5/2021 (thu song song 2 trạm), nhưng kế hoạch không thành.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa BOT Cai Lậy Tổng cục Đường bộ