Buýt nhanh BRT Hà Nội: Tăng 200.000 lượt khách nhưng doanh thu sụt 2,7 tỷ đồng?
- Sơn Nguyên
- •
Buýt nhanh BRT Hà Nội càng chạy càng lỗ là nhận định tổng quan sau khi các số liệu về sản lượng, doanh thu và tỷ lệ trợ giá/chi phí được Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đưa ra sau 4 năm thí điểm loại hình phương tiện này.
Truyền thông trong nước cho hay Sở GTVT Hà Nội vừa gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo đánh giá hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT 01 Bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã sau hơn 4 năm chạy thí điểm (2017-2020)..
Theo Sở GTVT Hà Nội, tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017; sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% so với thực hiện cùng kỳ năm 2018. Đến năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), sản lượng 5,35 triệu lượt hành khách, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng lượng khách vận chuyển bình quân từ 42,6 hành khách đến 70 hành khách/lượt.
Tuy nhiên, đáng chú ý, dù sản lượng lượt hành khách biến động không lớn nhưng doanh thu liên tục giảm theo năm. Doanh thu năm 2018 đạt 27,5 tỷ đồng, nhưng doanh thu năm 2019 chỉ đạt 24,8 tỷ đồng. Sang năm 2020, doanh thu sụt xuống 15,2 tỷ đồng. Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2018 chỉ là 26,6% tới năm 2019 tăng lên tới 36,6%.
Loại trừ năm 2020 có biến động bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán, trong hai năm 2018 – 2019, tổng hành khách vận chuyển của BRT 01 tăng 200.000 lượt song doanh thu sụt giảm tới 2,7 tỷ đồng; tỷ lệ trợ giá/chi phí tăng 10 điểm phần trăm.
Sở GTVT không đưa ra các giải thích về tồn tại, hạn chế của loại hình này, thay vào đó, cho biết đã đề xuất UBND TP Hà Nội giao Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội khảo sát, đánh giá hiệu quả xe buýt nhanh BRT để cân nhắc có tiếp tục đầu tư, thử nghiệm tuyến buýt BRT nữa hay không, nhưng đến nay, viện này chưa có kết quả thực hiện.
Xe buýt BRT là một trong 3 hợp phần thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng), từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.
Dù vấp phải nhiều ý kiến góp ý, cảnh báo về thất bại của loại hình này, tuyến BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa – tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội vẫn được khởi công xây dựng từ năm 2013, khai thác thương mại từ năm 2017, với tổng chiều dài khoảng 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng là khoảng 3,75m với 21 nhà chờ.
Chỉ hơn một năm thí điểm, tháng 3/2018, giới chức Sở GTVT Hà Nội tuyên bố dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã- Hòa Lạc như dự định, thừa nhận thất bại của BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa.
Sơn Nguyên
Xem thêm:
Điểm lại những dự án giao thông đáng thất vọng của Thủ đô Hà Nội
Từ khóa Buýt nhanh BRT Kim Mã – Hòa Lạc buýt nhanh BRT Hà Nội