Cái chết của chú hải cẩu: Khi con người không còn sợ làm điều ác nữa
Chú hải cẩu lạc vào bờ biển Bình Thuận. Chú dễ thương, thích lên bờ sưởi nắng, thích nô đùa với du khách, người dân, đã bị đánh chết. Nghe rằng chú bị đánh chết vì phá lưới và ăn cá của ngư dân. Chú bị người ta đánh chết khi đi tìm cái ăn theo bản năng.
Chú hải cẩu rất dễ thương. Như bản tính tự nhiên, dù lạc đàn trôi dạt xuống tận vùng biển nhiệt đới thì chú vẫn lên bờ sưởi nắng, nô giỡn với con người, lúc nhát sợ thì quay đầu chạy thật nhanh xuống biển. Chú vui cùng mọi người, chú cũng không làm hại ai cho tới khi bị đánh chết.
Nhiều người đã liên hệ cái chết của chú hải cẩu với những người trộm chó bị đánh tới chết. Vô luật, vô tình, người ta vung tay làm điều ác, dù đối diện là những người biết nói, biết kêu, biết lạy van khi bị dồn vào đường cùng. Chú hải cẩu không biết nói, không toan tính đi trộm của người. Bất hạnh thay, bản tính tự nhiên không dạy chú phân biệt được đâu là cá tự do và đâu là cá đã vào lưới. Với chú, chỉ có một mùi cá biển thôi. Nhưng những người đang tay nhằm vào đầu chú mà đánh, thậm chí họ còn bất hạnh hơn khi chính họ không biết cái ác/phần bất nhân đang chi phối chính họ. Mà làm người được chỉ bởi có một chữ “nhân” mà thôi.
Người ta xót thương chú hải cẩu vì thiện tính chú mang. Giá kể chú đừng lên bờ, thân thiết, sẵn sàng làm trò khi chỉ cần có tiếng vỗ tay, thì người ta sẽ không lên tiếng vì chú nhiều đến thế. Như những loài vật vô danh trong rừng, vẫn hằng ngày âm thầm bị bắt, bị giết. Như những chuyến xe du lịch lên vùng cao, vẫn dừng lại mua thịt thú rừng bên đường. Sự vô danh của loài thú khiến người ta lờ đi phần ác tính đang trỗi dậy trong họ. Người ta sẵn sàng ăn, vui thú và bình phẩm trước những con vật chỉ vài ngày trước còn sống và vẹn nguyên gia đình như chính họ.
Điều gì khiến người ta có thể nghe như không thấy tiếng rên rỉ van lơn của những con vật không thể phản kháng? Điều gì khiến người ta nghĩ đập chết, đánh què thì mới là cách dạy dỗ? Còn hơn cả cái chết của một chú hải cẩu đi lạc, đó là khi bạo lực đã thành hình trong suy nghĩ, bạo lực xuất hiện như thói quen con người dùng để đáp trả lại với tự nhiên, với cộng đồng. Khi con người tự cho mình quyền giết chóc, có lẽ thế giới đã đi tới tận cùng.
Không ai quên những vụ thảm sát cả gia đình, đánh người tới chết xảy ra liên tiếp trong năm vừa qua và ngay cả khi năm mới mới bắt đầu được vài hôm. Những bàn tay quen thói ác ấy, liệu có liên hệ chút gì tới những bàn tay đã mổ bụng, cắt lìa đầu chú cá heo tội nghiệp ở vùng biển Phú Quốc tháng 11/2016, hay những hình ảnh giết voọc dã man năm 2012 tại Sa Thầy – Kon Tum? Cái ác là đồng đẳng. Sự vô nhân tính cũng là đồng đẳng. Lòng nhân trong xã hội đã tới mức nguy nan khi người ta không còn tin vào điều thiện, không cảm nhận được điều thiện mà chú hải cẩu ấy đã mang lại cho mỗi người.
Con người ngày nay đã không còn sợ làm điều ác nữa. Tư tưởng vô thần khiến người ta không còn tin vào sự trả giá. Nhưng, nói như nhà văn Nguyên Ngọc: “Con người, ở giữa đất trời, sống vô thần và không biết đến trời đất thì nguy hiểm quá“. Sự tự nhiên ấy nằm trong mạch máu từ khi mỗi con người được sinh ra. Làm trái đạo, nghịch tự nhiên, chẳng phải là vin theo điều vô đạo mà tự tay rút bớt lý sống của chính mình?
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa Bảo vệ động vật hải cẩu bị đánh chết Cái chết của chú hải cẩu con người không còn sợ làm điều ác con người không còn tin vào nhân quả