Chủ tịch TP.HCM: ‘Sức ép đến ngày 15/9 là rất lớn… nhưng chưa đạt được tiêu chí kiểm soát’
- Nguyễn Quân
- •
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Tăng Chí Thượng cho biết TP vẫn chưa đạt được tiêu chí “số ca mắc cộng đồng theo tuần phải giảm liên tục trong 2 tuần liền kề và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất”. Còn Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay “với biến chủng Delta, mở lại các hoạt động thì nguy cơ bùng phát dịch là có thật”.
“Khó có thể làm sạch F0 trong cộng đồng”
Trả lời báo chí chiều 13/9, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết thành phố vẫn chưa thể đạt được theo các tiêu chí do Bộ Y tế đưa ra về mức độ đánh giá kiểm soát dịch.
Ông Thượng cho biết có một tiêu chí rất khó mà thành phố chưa đạt được tính đến ngày 15/9, là “số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất”. Hiện số ca mắc tại TPHCM đang ở đường ngang và chưa có dấu hiệu đi xuống (dao động 5.000 – 6.000 ca).
“Nếu căn cứ vào đây, thực tế thành phố chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch. Còn căn cứ vào các tiêu chí của tổ chức y tế trên thế giới, đến thời điểm này thành phố cũng chưa đạt. Tuy nhiên căn cứ vào dữ liệu ngành y tế đang có, tình hình thành phố đã và đang khả quan”, ông Thượng nói.
Giải thích về nguyên nhân chưa đạt được tiêu chí trên, ông Thượng nói rằng do biến thể Delta “nằm ngoài dự kiến”. Biến thể này “né được một số kháng thể trong người”.
“Một số chuyên gia dịch tễ cho hay rất khó để làm sạch F0 trong cộng đồng. Chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp tục các giải pháp Bộ Y tế đưa ra, đồng thời sẽ có kiến nghị với bộ để có những tiêu chí phù hợp”, ông Thượng nói.
Đưa ra thông tin rằng nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng “rất khó có thể làm sạch F0 trong cộng đồng”, ông Thượng nói có thể làm giảm số ca mắc, nhưng mong giảm hẳn là rất khó. Ngành y tế TP sẽ có kiến nghị với bộ để có những tiêu chí phù hợp với các biến chủng Delta, trong đó ưu tiên tiêu chí giảm tử vong.
Đáng lưu ý, ông Thượng cho hay trong các gói thuốc điều trị F0 tại nhà do Sở Y tế TP đưa ra, gói A là thuốc không cần kê toa, người dân có thể mua ở nhà thuốc khi cần, có thể sử dụng cho các bệnh lý khác không chỉ cho COVID-19. Gói B gồm thuốc kháng đông, kháng viêm, người dân không tự mua được. Gói C nằm trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát do Bộ Y tế thực hiện, chứa loại thuốc không thể mua ở bất cứ đâu. Do vậy ông Thượng cho biết ngoài thuốc hạ sốt, vitamin ở gói A, không thuốc nào người dân có thể tự mua để điều trị COVID-19.
“Không thể nói đúng ngày 30/9 sẽ mở cửa”
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP quyết định tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn TP theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9. Trong đó, một số quận, huyện có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như Cần Giờ, Củ Chi, quận 7, Phú Nhuận, Nhà Bè, quận 5, quận 11 có thể áp dụng theo hướng Chỉ thị 16- hoặc 15+.
Ông Mãi cho hay dưới sức ép của giãn cách kéo dài, buộc phải mở cửa, nhưng cũng không loại trừ việc Việt Nam hay TP.HCM cũng gặp nguy cơ bùng phát dịch trở lại như nhiều nước. Đặc biệt với biến chủng Delta, mở lại các hoạt động thì nguy cơ bùng phát dịch là có thật.
“Chúng tôi biết sức ép đến ngày 15/9 này là rất lớn. Mong muốn mở cửa, phục hồi các sinh hoạt bình thường, phục hồi kinh tế – xã hội của người dân, của doanh nghiệp cũng là mong muốn của chúng tôi. Những kết quả đạt được có chuyển biến tích cực hơn, nhưng chưa đạt được tiêu chí kiểm soát” – ông Mãi nói. “Có thể từ nay đến cuối tháng 9, tình hình ở một số địa bàn tốt hơn, chúng ta mở dần ở địa bàn đó, nhưng chúng ta cũng không thể nói đúng ngày 30/9”.
Giới chức TP.HCM cho biết từ nay đến cuối tháng 9, TP sẽ đưa tỷ lệ người dân được tiêm ngừa COVID-19 mũi 1 cao nhất; tăng tốc tiêm mũi 2. Đây được xác định là điều kiện để TP này nhanh chóng mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội. Theo số liệu công bố tại họp báo, trên 6,5 triệu người tại TP.HCM đã tiêm mũi 1 (tương đương hơn 90% dân số trên 18 tuổi) và trên 1,3 triệu người tiêm mũi 2 (tương đương 19% dân số trên 19 tuổi).
Song song việc chuẩn bị kế hoạch phục hồi, TP sẽ mở rộng một số dịch vụ (thí điểm) như sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, giao hàng, phân phối, vận tải, logistic, viễn thông, báo chí, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ công ích…
“Thẻ xanh COVID” không thay thế được 5K và xét nghiệm
Tại cuộc họp báo, vấn đề có nhiều ứng dụng quản lý COVID-19 gây khó khăn trong quản lý và sử dụng được nêu ra.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP – ông Lâm Đình Thắng cho biết sắp tới sẽ gom chung tất cả thành 1 ứng dụng. Ứng dụng này sẽ tích hợp dữ liệu tiêm vắc-xin, kết quả xét nghiệm, mã QR của các phương tiện vận tải,…. Khi giải pháp được thông qua, TP.HCM dự kiến sẽ thí điểm tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và quận 7.
Từ góc độ dịch tễ, giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết thẻ xanh COVID không thể thay thế cho 2 giải pháp quan trọng là 5K và xét nghiệm. Vì người đã tiêm vắc-xin, có kháng thể vẫn có thể mang virus trong người và lây bệnh cho người khác. Vì vậy, thẻ xanh phải cộng 5K, xét nghiệm.
Ngoài ra, vẫn chưa có kết luận về việc xác nhận kháng thể tự nhiên. Ông Thượng cho hay có phát hiện một số trường hợp “không hiếm nhưng không phổ biến và nằm ngoài dự kiến”, là F0 tự xét nghiệm và tự điều trị tại nhà. Do là F0 không triệu chứng nên người dân tự cách ly tại nhà và chưa được cơ quan y tế xác nhận, không được đưa vào diện quản lý.
“Có ý kiến cho rằng có thể xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên đây là trường hợp rất mới, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học”, ông Thượng nói, cho rằng đây là lĩnh vực rất mới và ngay cả trên thế giới hiện nay cũng chưa có khuyến cáo.
Ông Thượng cho rằng có kháng thể vẫn có thể lây nhiễm virus, song cũng nhận định nếu trong người đã có kháng thể thì có tiêm cũng lãng phí vắc-xin. “Chúng tôi đã sớm nghĩ đến tình huống này rồi và đang có sự trao đổi để chọn ra giải pháp phù hợp nhất”, giám đốc Sở Y tế TP để ngỏ thông tin.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Biến thể Delta "thẻ xanh" COVID-19 TP.HCM khôi phục kinh tế F0 tự điều trị