Công an TP.HCM xác minh nguồn gốc 156 bất động sản liên quan Vạn Thịnh Phát
- Minh Long
- •
156 bất động sản này hầu hết nằm ở những vị trí đắc địa tại các quận 1, 3, 5, 7… của TP.HCM.
Công an TP.HCM vừa gửi văn bản đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi Trường rà soát nguồn gốc 156 bất động sản liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phục vụ điều tra.
Phòng An ninh Kinh Tế, Công an TP cho biết, do yêu cầu cấp bách phục vụ điều tra nên cử cán bộ trực tiếp làm việc với Sở Tài Nguyên và Môi Trường, rà soát thông tin về quyền sử dụng đất có nguồn gốc (hoặc không có nguồn gốc) Nhà nước, đối với 156 bất động sản trên.
Thông tin cung cấp cần có chậm nhất là ngày 19/10, song nội dung này không được công bố, báo Vnexpress đưa tin.
Theo báo Người Lao Động, 156 bất động sản được yêu cầu xác minh, hầu hết nằm ở vị trí đắc địa thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 7 và TP. Thủ Đức (quận 2, quận 9 cũ)…
Trong số này có nhiều tòa nhà lớn ở trung tâm TP.HCM như Time Square 22-36 Nguyễn Huệ; Saigon Prince ở 59 – 73 Nguyễn Huệ; Trung tâm dịch vụ văn phòng VTP 08 Nguyễn Huệ; tòa nhà Union Square 171 Đồng Khởi; tòa nhà IFC One Saigon số 34 Tôn Đức Thắng…
Hôm 8/10, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng bị điều tra về tội danh này còn có bà Trương Huệ Vân (SN 1988, trú tại TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor); bà Nguyễn Phương Hồng (1984, trú tại TP.HCM, là Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; ông Hồ Bửu Phương (SN 1972, trú tại TP.HCM, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ Phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Công an xác định bà Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng, giai đoạn năm 2018-2019. |
Hai công ty chậm nộp tiền đấu giá đất Thủ Thiêm có liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Chi Cục Thuế TP. Thủ Đức vừa ban hành quyết định 1572 cưỡng chế số tiền thuế 1.794 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Dream Republic và quyết định 1573 cưỡng chế số tiền thuế 1.796 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Sheen Mega.
Đáng chú ý, cả hai công ty trên đều có liên hệ đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một trong ba cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Dream Republic là ông Đặng Minh Thắng. Ông Thắng lại là Tổng Giám đốc của một công ty có tên Innoware mà ở đó bà Trương Huệ Vân, cháu của bà Trương Mỹ Lan, là Thành viên HĐQT.
Đối với Công ty Cổ phần Sheen Mega, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Huyền tham gia góp vốn sáng lập Đắc Vạn Hưng, đơn vị gián tiếp sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, chủ đầu tư dự án Sài Gòn Peninsula (quận 7, TP.HCM) nhưng chưa thể triển khai nhiều năm qua và cũng từng được Vạn Thịnh Phát giới thiệu trên trang chủ của mình.
Vạn Thịnh Phát là chủ đầu tư hàng loạt dự án đắt đỏ tại TP.HCM
Theo báo chí nhà nước, chỉ riêng khu vực đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), Vạn Thịnh Phát đã sở hữu 5 bất động sản, chiếm gần 1/3 diện tích các dự án tại đại lộ đắt đỏ bậc nhất TP.HCM, trong đó có tòa nhà Times Square, Trung tâm thương mại Union Square (Vincom A trước đây).
Tại khu vực trung tâm TP.HCM, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu nhiều dự án có vị trí mặt tiền các tuyến đường lớn tại Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10 như cao ốc Sherwood Residence, khách sạn An Đông, The Garden Complex (Thuận Kiều Plaza trước đây), dự án Lambert Residence, tòa nhà Amigo, An Đông Plaza,…
Ngoài các quận trung tâm, hệ thống doanh nghiệp có liên quan đến gia đình bà Trương Mỹ Lan còn sở hữu nhiều bất động sản tại quận 7, khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh), khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cùng các địa phương như: Long An, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Đặc biệt, dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ (Sài Gòn Peninsula) với tổng mức đầu tư 6 tỷ USD cũng rơi vào tay Vạn Thịnh Phát. Sau nhiều năm sở hữu và tuyên bố khởi công, siêu dự án này vẫn án binh bất động.
Ngoài việc sở hữu các dự án khủng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng dính nhiều tai tiếng, sai phạm.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, tại khu đất gần 2.000m2 ở địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 đường Trần Hưng Đạo (quận 1) trước đây thuộc sở hữu của nhà nước nhưng hiện rơi vào tay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một số dự án khác của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng bị nhắc đến như dự án khu tứ giác Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng phường Bến Nghé, quận 1.
Theo khảo sát, tiến độ triển khai dự án của Vạn Thịnh Phát lại rất chậm. Được biết, số nợ của Vạn Thịnh Phát tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, tại ngày 31/3, các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát đã phát hành 13.000 tỷ trái phiếu với kỳ hạn 18-36 tháng.
Từ đầu năm 2022 đến 31/3, các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát phát hành 36.500 tỷ đồng và nếu tính cả năm 2021 thì con số này lên tới 81.300 tỷ đồng.
Từ khóa bà Trương Mỹ Lan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát