Dự kiến giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục
- Nguyễn Quân
- •
Cơ sở giáo dục được cấp quyền tuyển dụng giáo viên; thuyên chuyển theo nguyện vọng nhưng phải kèm quy định, không đi là nghỉ việc… là những nội dung đang được bàn thảo tại dự thảo Luật Nhà giáo, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới.
Ngày 7/2, Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Trường công lập tự chủ sẽ được cấp quyền tuyển dụng giáo viên?
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8. Trong nhóm các vấn đề lớn của dự thảo có nội dung giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho biết việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục là cần thiết.
Đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc này vừa đảm bảo tính sát thực của việc tuyển dụng, vừa nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.
Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Nhà giáo được điều chỉnh theo hướng đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.
Theo khoản 2 Điều 14 dự luật, cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình.
Việc chỉnh lý như trên được cho là bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động, xác nhận được vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ủng hộ việc phân cấp, phân quyền cho cơ sở giáo dục, bao gồm cả cơ sở tự chủ và chưa tự chủ.
“Cơ sở giáo dục công lập tự chủ hay chưa tự chủ, nên để cơ sở giáo dục là người có quyền tuyển dụng, cơ quan quản lý giáo dục không nên can thiệp” – ông Phương nói, cho hay cơ quan quản lý có vai trò hoạch định chính sách, kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng.
“Cô giáo cắm bản 10 – 20 năm” vì các nơi lấy lý do “đã đủ biên chế”
Về các quy định liên quan điều động, thuyên chuyển giáo viên, nêu tại Điều 19 và 21 dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết dự thảo luật quy định muốn thuyên chuyển phải được 3 nơi chấp nhận, gồm nơi đi, nơi đến và cơ quan quản lý giáo dục.
Ông Phương cho rằng cần quy định rành mạch hơn để tháo gỡ các nút thắt về điều động, thuyên chuyển giáo viên hiện nay. Theo quy định, giáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nơi “lấy đủ lý do như đủ biên chế, không cần chuyên ngành đó” để từ chối.
“Có tình trạng cô giáo 10 năm, 20 năm vẫn cắm bản. Lần này ta làm Luật Nhà giáo và sau này là Luật Giáo dục phải tháo cho được chỗ này”, ông Phương nói.
“Muốn vậy, ta đồng ý cho giáo viên thuyên chuyển theo nguyện vọng, nhưng cũng phải gắn với quy định về điều động. Tức là cơ quan quản lý có quyền điều động giáo viên đã đủ 3 năm ở vùng khó khăn về những nơi điều kiện tốt hơn để thực hiện chính sách vượt trội với đối tượng này”, ông Phương đề xuất.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc điều động, thuyên chuyển nên giao cho cơ quan quản lý cấp trên. Khi các cơ quan quản lý Nhà nước điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược thì phải làm, giống như quân đội. “Điều đi anh phải đi, anh là công chức nhà nước cơ mà, còn không đi là nghỉ việc”, ông Phương nhấn mạnh.
Giải trình về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay hiện 63 tỉnh, thành có tới hơn 50.000 cơ sở giáo dục với quy mô rất khác nhau. Do đó, việc giao quyền tuyển dụng cho cơ sở giáo dục cũng cần cân nhắc.
“Nếu trường mần non, tiểu học vùng xa mà giao cho họ tuyển dụng viên chức, phải lập hội đồng, ra đề thi viên chức thì các trường “chịu chết”. Nên việc giao quyền này có thể thành thảm họa cho họ. Không phải giao cho họ quyền tuyển dụng thì họ có thể làm được”, ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, ở những cơ sở đủ sức “gánh” được thì có thể phân cấp, còn ở những khu vực khác, chưa đủ năng lực thì Chính phủ mới đề nghị linh hoạt để có thể giao cho cơ quan quản lý giáo dục.
Về đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đối với việc thuyên chuyển giáo viên, Bộ trưởng Sơn cho hay ngành giáo dục “cũng ao ước như thế nhưng cũng rất khác điều động của quân đội”, vì ngành giáo dục hiện không quản lý được viên chức mà giao cho cấp tỉnh.
“Hiện đối với cấp tỉnh trong các huyện khác nhau chỉ có điều động ở bậc trung học thôi còn ngay ở tiểu học thì huyện này không chuyển sang huyện khác được”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tại cho biết dự thảo luật đang đề xuất giao cho cấp sở điều động viên chức giữa các khu vực trong toàn tỉnh đã là một thay đổi mang tính cách mạng.
Hồi tháng 10/2022, tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Sơn đã nêu ra thực tế rằng ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: một là giáo viên, hai là tài chính.
Hiện tại, về giáo viên, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền điều động giáo viên từ tỉnh này sang tỉnh khác, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương cũng không có quyền điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác.
Nhà giáo có quyền tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệChủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý quy định về quyền của nhà giáo (Điều 8 dự thảo Luật), trong đó bổ sung quyền của nhà giáo “được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học”. Ông Vinh giải thích: “Theo quy định của pháp luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng, viên chức không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học có quy định cơ sở giáo dục đại học được phép thành lập doanh nghiệp. Để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung vào điểm b, khoản 2, Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ”. |
Dự án Luật Nhà giáo dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, diễn ra vào tháng 5/2025.
Từ khóa tuyển dụng giáo viên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Luật Nhà giáo thuyên chuyển giáo viên
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)