Đưa di sản văn hóa phi vật thể – múa Cơ Tu trình diễn trong mỗi đêm rằm ở Hội An
- Vĩnh Long
- •
Điệu múa “Vũ điệu dâng trời – Tân tung da dá” và cồng chiêng của cộng đồng người Cơ Tu sẽ được biểu diễn lưu động trên các con đường trong khu phố cổ Hội An vào mỗi dịp đêm rằm.
Ngày 24/5, ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết từ ngày 9/6 (tức Rằm tháng 5 âm lịch) và 2 đêm rằm tiếp theo vào ngày 8/7 và 6/8, tại phố cổ Hội An sẽ diễn ra “Đêm văn hóa Cơ Tu”. Đêm văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của người Cơ Tu đến với du khách tại Hội An.
Những điệu múa được các nhóm múa của người dân tộc thiểu số Cơ Tu của 3 huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang biểu diễn luân phiên tại số 26 Phan Bội Châu và khu Vườn tượng An Hội. Ngoài ra, cộng đồng người Cơ Tu cũng trưng bày, trình nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản miền núi, quà lưu niệm đặc trưng.
Được biết, đây là sáng kiến đề nghị của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Sự kiện do Sở VHTT-DL phối hợp với UBND TP. Hội An tổ chức với sự tham gia của Tổ chức Cứu trợ – phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An – ông Nguyễn Văn Sơn, Hội An cũng tính đến một sản phẩm du lịch khác nữa là các điệu múa, văn hoá của người Chămpa để trình diễn. Ban đầu sẽ thử nghiệm trước sản phẩm “Đêm văn hoá Cơ Tu” để có đánh giá khách quan về tính hiệu quả, từ đó tính tiếp các bước tiếp theo.
Vũ điệu dâng trời – Tân tung da dá cùng với nghệ dệt thổ cẩm của người Cơ Tu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2014. Năm 2015, thêm một loại hình nghệ thuật, văn hóa của tộc người Cơ Tu – Nói lý, hát lý cũng được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tân tung theo nghĩa của tiếng Cơ Tu là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa, da dá có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều. Người Cơ Tu tin rằng, thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn và Giàng (nghĩa là trời) cho họ cái nghĩ, niềm tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ cùng với nắng gió và núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Theo người Cơ Tu, điệu múa như một cách để kết nối giữa thế giới thực tại với vũ trụ, tổ tiên, ông bà và các vị thần, là sự thủy chung, nhớ ơn đất nghĩa trời… |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa di sản văn hóa phi vật thể người Cơ Tu Đêm văn hóa Cơ Tu múa Cơ Tu ở khu phố cổ Hội An dân tộc thiểu số Cơ Tu Vũ điệu dâng trời – Tân tung da dá