Giá lợn hơi xuống thấp nhất trong 3 năm, thịt bẩn vẫn ‘trôi nổi’ trong dịp Tết
- Nguyễn Quân
- •
Trong khi giá thịt lợn hơi sụt giảm mạnh chỉ còn 27.000-30.000 đồng/kg, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, thì nhiều tấn thịt, nội tạng động vật bẩn vẫn đang được “nhập kho” chờ bán dịp Tết.
Thêm một cuộc ‘bể dâu’…
Hai tháng qua, giá lợn hơi liên tục giảm từ 48.000- 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn 27.000 – 28.000 đồng. Theo trang VietDVM, tại thị trường miền Bắc tuần 1 năm 2017, giá thịt lợn hơi vẫn duy trì mức thấp, như Hưng Yên: 30.000 – 34.000 đ/kg, Hà Tây (cũ): 30.500 – 33.000đ/kg, Vĩnh Phúc: 30.000 – 32.000đ/kg.
Tại các vùng chăn nuôi có chất lượng con giống thấp hơn, mức giá còn thấp hơn nữa, như Phú Thọ: 28.000đ/kg, Vĩnh Phúc: 29.000đ/kg heo lai với biểu cân 80-90kg/con.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Phân tích thị trường nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), giá thịt lợn hơi đã xuống mức thấp nhất tại miền Bắc trong vòng 3 năm qua. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do khủng hoảng về nguồn cung và do phía Trung Quốc giảm mua.
Bắt đầu từ khoảng tháng 3, tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc tăng thu mua mạnh lợn các loại của Việt Nam, đẩy giá lợn lên cao rồi đột ngột dừng vào khoảng tháng 5.
Giá lợn ở phía Bắc có lúc lên đến 54.000 đồng/kg, cao hơn dịp trước Tết tới 10.000 đồng/kg, hiện tại giảm tới 40-50%, dao động ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg. Lý do là do người chăn nuôi tăng đàn trong thời kỳ sốt giá. Khi Trung Quốc dừng thu mua, giá giảm, một số hộ nuôi chọn cách “kìm” hàng chờ đến Tết Nguyên đán bán để tránh thua lỗ. Việc này khiến nguồn cung vượt cầu, dẫn đến giá sụt giảm mạnh.
Tính chất bấp bênh của việc mua bán theo đường tiểu ngạch chỉ là tác nhân bề mặt. Vấn đề chính là sự thiếu vắng của các nhà thu mua chuyên nghiệp, các phương thức lưu trữ thực phẩm đông lạnh để quy mô chăn nuôi không chỉ dựa vào cảm tính và bị thị trường tiểu ngạch điều khiển.
Hàng chục tấn thịt bẩn ‘trôi nổi’ trong dịp Tết
Trong khi thị trường thịt lợn hơi trong nước đang gặp khủng hoảng nguồn cung, thì thịt, nội tạng động vật bẩn vẫn tiếp tục trôi nổi ngoài thị trường, chờ tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán. Số lượng bị kiểm tra, phát hiện đã lên tới hàng chục tấn.
Ngày 18/1, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một cơ sở đông lạnh tập kết hơn 1,2 tấn thịt động vật bẩn được bảo quản trong 3 tủ cấp đông cỡ lớn. Số sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc gồm thịt, da bò, nội tạng, tai mũi bò… đã bốc mùi và chuyển màu.
Chủ cơ sở khai nhận số hàng trên được mua gom từ các chợ trong tỉnh, một số khác được nhập từ Đà Nẵng về để bán cho các quán ăn trên địa bàn TP.Hà Tĩnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trước đó vài ngày, gần 1 tấn nội tạng động vật đang mốc xanh bị phát hiện tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Số nội tạng này được chủ cơ sở thu mua tại các cơ sở giết mổ quanh vùng với giá 2.000 đồng/kg, cất giữ trong tủ đông lạnh, chờ đến Tết bán với 20.000 đồng/kg.
Tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, gần 300 kg thịt lợn đã bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bám đầy đi tiêu thụ bị phát hiện khi đang được chở đi tiêu thụ. Chủ số hàng trên cho biết đã mua thịt tại huyện Định Quán sau đó chở sang tỉnh Bình Dương tiêu thụ.
Trong tháng 12/2016, 14 thùng xốp chứa chân, đuôi trâu, bò có trọng lượng hơn 1 tấn, bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc bị phát hiện trên một xe khách đang lưu thông trên QL1 (đoạn qua phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh). Lái xe thừa nhận nhận vận chuyển số thực phẩm bẩn này cho một người dân ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào phía Nam tiêu thụ.
Trước đó, cũng tại tỉnh Nghệ An, hơn 4 tấn mỡ bò, da trâu, nội tạng động vật bốc mùi bị phát hiện khi đang được một xe tải và một xe khách vận chuyển đi tiêu thụ.
Tại Thanh Hóa, một xe tải vận chuyển hơn 11 tấn da trâu, bò không rõ nguồn gốc vào phía Nam bị bắt giữ. Ngoài ra là 3 vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối bị phát hiện, thu giữ 885 kg thịt động vật.
Theo báo cáo quý III/2016 của lực lượng Quản lý thị trường, trên cả nước có gần 25.000 vụ việc vi phạm bị phát hiện, trong đó, một số vụ điển hình như 5,5 tấn mỡ động vật, 6,5 tấn hàng hóa là nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không chứng minh được nguồn gốc tại Hà Nội; 12.600 kg hóa chất công nghiệp do Trung Quốc sản xuất đã hết hạn sử dụng tại TP.HCM, 20 tấn thịt lợn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, một số đã bốc mùi hôi thối tại Lạng Sơn…
Trong khi thị trường chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, người nông dân bị thua lỗ nhiều tỷ đồng do giá thịt lợn hơi sụt giảm, thì việc lén lút đưa hàng chục tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chất lượng kém ra ngoài thị trường gây nên những tác động nghiêm trọng. Chúng tạo sức ép cạnh tranh không lành mạnh đối với thị trường thực phẩm sạch, gây tổn thất cho người chăn nuôi, thương lái, tác động xấu tới sức khỏe người tiêu dùng và gây mất niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm chăn nuôi trong nước nói chung.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa thực phẩm bẩn thịt lợn bẩn tình hình thịt lợn Việt Nam buôn bán thịt lợi đường tiểu ngạch thịt heo bẩn