Hãng vận chuyển Ninja Van gỡ bản đồ sai chủ quyền biển đảo Việt Nam
- Bảo Khánh
- •
Website của hãng vận chuyển Ninja Van tại Việt Nam đã gỡ bản đồ thiếu thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
- Thẻ thu phí cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn không có quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa
- Bắc Kinh tiếp tục âm mưu lập ADIZ, bao phủ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Báo Thanh niên ngày 27/5 dẫn lời bà Ying Ying Wu – đại diện truyền thông Ninja Van khu vực Đông Nam Á cho biết phía công ty đã tiếp nhận thông tin liên quan đến nội dung bản đồ không thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đã xoá phần bản đồ hiển thị các bưu cục của hãng tại Việt Nam.
Bà Wu cũng xác nhận hãng đang sử dụng bản đồ do Mapbox và OpenStreetMap là hai đối tác cung cấp.
“Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp dữ liệu để đảm bảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được thêm vào bản đồ. Cùng lúc, công ty đã gỡ hiển thị bản đồ được tích hợp trên website hiện nay”, bà Wu xác nhận.
Tuy nhiên, bà Wu không nói chính xác thời gian hãng này sẽ khắc phục xong các thiếu sót.
Trong khi đó Mapbox và OpenStreetMap đều khẳng định dịch vụ của họ cung cấp địa chỉ chính xác về các địa điểm trên thế giới. Tuy nhiên, kiểm tra website của OpenStreetMap, khu vực vốn là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang được chú thích với tên “Tam Sa”; tên đánh dấu ở quần đảo Trường Sa chủ yếu sử dụng tiếng Trung Quốc và tên địa danh do nước này đặt, chỉ một phần nhỏ được ghi “Tỉnh Khánh Hòa”.
Ninja Van là công ty hậu cần của Singapore, thành lập vào năm 2014. Hiện tại, công ty hoạt động chủ yếu ở các quốc gia gồm Singapore, Myanmar, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Hãng có mặt ở Việt Nam từ 2016 nhưng tới 2017 mới chính thức “ghi tên” trên thị trường.
Trong ngày 26/5, người dùng Việt Nam phát hiện trên website chính thức của công ty, ở phần hỗ trợ tìm bưu cục, Ninja Van tích hợp dịch vụ bản đồ của bên thứ ba để hiển thị các địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam cho người dùng, nhà bán gửi hàng. Tuy nhiên, ở Biển Đông, bản đồ này không hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ninja Van không phải công ty đa quốc gia duy nhất đang hoạt động tại Việt Nam nhưng sử dụng dịch vụ bản đồ không thể hiện sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Ngày 25/5, một người tự nhận là nhân viên hãng điện tử TCL Việt Nam (đặt văn phòng tại TP.HCM) đăng lên mạng ảnh chụp bản đồ Việt Nam dán lên tường nhưng thiếu sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. TCL sau đó lên tiếng đính chính trên fanpage chính thức ở Facebook nhưng nhanh chóng xóa đi ngay trong ngày.
Đầu tháng 4 vừa qua, dịch vụ gọi xe công nghệ Grab cũng phải lên tiếng xin lỗi sau khi cộng đồng phát hiện hãng sử dụng bản đồ có thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam.
Một ngày sau đó, hãng thời trang Yody cũng nhận không ít bình luận chỉ trích, đòi “tẩy chay” vì sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền Việt Nam. Cuối năm 2022, Apple đã phải chỉnh sửa lại nội dung trên ứng dụng bản đồ (Maps) tích hợp trên hệ điều hành iOS, iPadOS vì lỗi tương tự sau khi có yêu cầu từ chính quyền Việt Nam.
Từ khóa chủ quyền biển đảo chủ quyền biển Đông Hoàng Sa và Trường Sa Ninja Van