Kiểm toán Nhà nước: 23 tỉnh, thành phố dùng sai ngân sách 1.216 tỷ đồng
- Nhật Minh
- •
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa gửi tới Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa 14 về công tác kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước.
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2017, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 252 cuộc kiểm toán. Tính đến ngày 30/9/2017, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 185 trong tổng số 252 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc 164 cuộc kiểm toán, xét duyệt 144 dự thảo báo cáo kiểm toán và phát hành 90 báo cáo kiểm toán.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 108 dự thảo báo cáo kiểm toán là 22.954 tỷ đồng (thu về ngân sách nhà nước 11.017 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 6.783 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 5.154 tỷ đồng), riêng tăng thu về ngân sách nhà nước gấp 4,05 lần so với cùng kỳ năm 2016 (2.719 tỷ đồng).
23 tỉnh, thành phố dùng sai ngân sách 1.216 tỷ đồng
Về kiểm toán ngân sách địa phương của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc sử dụng sai nguồn kinh phí số tiền 1.216 tỷ đồng; tạm ứng dự toán từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn đến 31/12/2016 chưa hoàn trả ngân sách trung ương 1.133 tỷ đồng. Ngân sách địa phương cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán nhưng chậm khắc phục. Trong đó, có 9/23 địa phương tạm ứng xây dựng cơ bản và tạm ứng khác đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi 3.256 tỷ đồng trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi vay,…
Về việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 23 tỉnh, thành, Kiểm toán nhà nước phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao 2.173 biên chế, trong đó số thực tế tuyển dụng biên chế, viên chức vượt so với số được cấp có thẩm quyền giao 3.045 viên chức.
Việc sử dụng biên chế và lao động hợp đồng tại các cơ quan vượt chỉ tiêu được giao 6.939 biên chế và 15.070 lao động, trong đó có 8.280 lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, không đúng quy định của Bộ Nội vụ. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 108 tỷ đồng.
Kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm tại 22 dự án giao thông
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ GTVT, qua kiểm toán 22 dự án, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện có 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng trong khi chưa đủ điều kiện thu phí nhưng thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; cả nước có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm là 70 km.
Về các dự án BOT, thực hiện kiểm toán chi tiết 15 dự án, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 875,3 tỷ đồng và kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 39 năm 7 tháng.
Về quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị, qua kiểm toán tại một số địa phương như: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 4.302 tỷ đồng và phát hiện nhiều sai phạm như: phê duyệt, thay đổi quy hoạch sử dụng đất tùy tiện; một số khu đô thị, nhà ở được phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chiều cao tầng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu mật độ dân số chưa phù hợp với định hướng quy hoạch chung, chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, xác định giá đất chưa kịp thời, làm chậm nộp vào ngân sách nhà nước…
Về việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, kết quả kiểm toán tại 4 doanh nghiệp ghi nhận: Công ty mẹ – Tổng công ty phát điện 3 tăng thêm 1.504,4 tỷ đồng; Công ty mẹ – Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng thêm 4.586,5 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tổng công ty Thanh Lễ tăng thêm 72,8 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tổng Công ty sản xuất Xuất Nhập khẩu Bình Dương tăng thêm 211 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 491,5 tỷ đồng; xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm 6.374,4 tỷ đồng; giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.172,3 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho hay năm 2018 sẽ thực hiện kiểm toán các chuyên đề phục vụ giám sát của quốc hội và một số chuyên đề đang được xã hội quan tâm như: Quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ODA giai đoạn 2015-2017; Quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016,…
Nhật Minh
Xem thêm:
Từ khóa biên chế BOT Kiểm toán Nhà nước chi sai ngân sách