Lâm Đồng: Nhà đầu tư ứng trước 34,95 tỷ đồng, dự án 15 năm vẫn chưa giải tỏa xong
- Khánh Vy
- •
Dự án Khu trung tâm thương mại Ánh Sáng Đà Lạt được chủ đầu tư ứng trước 34,95 tỷ đồng (năm 2008, 2009), đến nay đã 15 năm nhưng vẫn chưa giải tỏa xong mặt bằng.
- Đà Lạt dự chi 119 tỷ đồng cải tạo đường, lắp thêm đèn xanh đèn đỏ
- Đà Lạt muốn làm dự án chiếu sáng nghệ thuật hồ Xuân Hương hơn 42 tỷ đồng
Ngày 26/3, theo báo Thanh Niên, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao Sở Tài chính kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng số tiền 34,95 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD, thời điểm năm 2008, 2009). Số tiền này do Công ty TNHH MTV Đất Đà Lạt ứng trước để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Khu trung tâm thương mại Ánh Sáng Đà Lạt (gọi tắt là Dự án Ánh Sáng Đà Lạt; tại phường 1, TP. Đà Lạt).
Sở TN&MT được giao phối hợp với UBND TP. Đà Lạt trên cơ sở kết quả rà soát phương án bồi thường, GPMB, tinh hình thu hồi đất và giao đất của dự án; căn cứ các quy định của pháp luật đất đai để khẳng định việc nếu dự án này tiếp tục triển khai thực hiện thì có thực hiện việc thu hồi đất theo phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt và có phải thực hiện việc đấu giá giao quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án hoặc nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận với người đang sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Dự án Ánh Sáng Đà Lạt tọa lạc ngay khu đất “vàng” ở trung tâm Đà Lạt, được tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 2/2008 (tiến độ thực hiện 3 năm), nhưng đã hàng chục năm qua dự án vẫn chưa triển khai được do vướng đền bù giải tỏa và quy hoạch, nhà đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng đầy đủ.
Phương án bồi thường, GPMB đã được phê duyệt và nhà đầu tư cũng ứng trước 2 triệu USD để thực hiện. Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng số tiền này được thực hiện chưa đúng trọng tâm nên kiến nghị tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, đồng thời cho tiếp tục triển khai dự án.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chất vấn Thủ tướng Việt Nam vấn đề “quy hoạch treo”Về vấn đề “quy hoạch treo”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV: “Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế – xã hội, người dân trong ranh quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác. Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng; các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; ngoài ra còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các dự án hiện nay để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ quá 5 năm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Nội dung chất vấn trên được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trả lời như sau: “Quy hoạch đô thị có thời hạn từ 10-20 năm, tùy theo phân loại và cấp hành chính đô thị và quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng theo quy định tại Chương II Luật Xây dựng năm 2014 có thời hạn 20-25 năm (quy hoạch định hướng dài hạn). Việc tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tiến độ thực hiện dự án phù hợp với thời hạn quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương theo phân cấp. Để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.” |
Khánh Vy
Từ khóa TP. Đà Lạt UBND tỉnh Lâm Đồng dự án chậm tiến độ quy hoạch treo