Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông cho hay việc mất rừng với tổng diện tích hơn 2.000ha từ năm 2013 tới 2020 liên quan đến hàng loạt cán bộ nguyên là lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong cùng nhiều Trạm trưởng, trạm phó, kiểm lâm. Cho rằng các lãnh đạo đã chết, thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác… nên cơ quan này kiến nghị không xử lý, chỉ tự kiểm điểm rút kinh nghiệm.

pha rung huyen dak Glong dak nong
Rừng vẫn tiếp tục bị phá quy mô lớn dưới vỏ bọc các dự án nông lâm nghiệp, tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), tháng 10/2021. (Ảnh: baodaknong.org.vn)

Cuối tháng 2, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông ra kết luận khẳng định được giao quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý bảo vệ rừng, để mất rừng với tổng diện tích hơn 2.000ha. Trong đó giai đoạn 2003-1/2015 mất hơn 1.800 ha; giai đoạn 2/2015-12/2020 mất hơn 230ha.

Trách nhiệm để mất rừng thuộc về loạt lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: các ông Hứa Vĩnh Tùng (giám đốc giai đoạn 2003 – 2009), ông Nguyễn Thành Mến (giám đốc giai đoạn 2009 – 2021); ông Phạm Văn Trọng (Trưởng trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Đắk P’lao từ 2005 đến nay); các Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’long từ năm 2005 đến 2020, gồm các ông: Quách Đông Nhị, Hoàng Tiến Mạnh, Đỗ Ngọc Trai, Lê Văn Hà, Nguyễn Bá Đường; Chủ tịch UBND xã Đắk Som qua các thời kỳ, gồm: Ông K’Măng từ 2003 – 2007, ông K’Tang từ 2007 – 2016, ông Hoàng Huy Tùng ông 2016 – 2020…

Sau khi có kết luận thanh tra của Sở TN&MT Đắk Nông, ngày 26/5, phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã gửi báo cáo lên Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, trong đó đề xuất việc kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân công tác tại Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong liên quan đến vụ việc.

Theo báo cáo, đối với các ông: Quách Đông Nhị (nguyên hạt trưởng từ 2005 – 2008), Hoàng Tiến Mạnh (nguyên hạt trưởng từ 2008 – 2012), Lê Viết Dũng (nguyên kiểm lâm viên từ 2005 – 2009), Ngô Duy Giáp (nguyên kiểm lâm viên từ 2014 – 2016), Phạm Ngọc Thuyên (nguyên kiểm lâm viên từ 2009 – 2012), Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đề nghị không thi hành hình thức kỷ luật.

Nguyên nhân được nêu là do những người này đều đã chuyển công tác, nghỉ hưu, đã chết…; việc này cũng đã hết thời hiệu xử lý theo nghị định của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Các ông: Đỗ Ngọc Trai (nguyên hạt trưởng từ 2012 – 2016), Đinh Thanh Cường (nguyên trạm trưởng Trạm kiểm lâm địa bàn từ 2009 – 2016), Lê Văn Hà (nguyên hạt trưởng từ 2016 – 2018), Nguyễn Văn Khoa (nguyên kiểm lâm địa bàn từ 2013 – 2014), Huỳnh Văn Triệu (kiểm lâm viên từ 2009 – 2010), Phạm Văn Anh (kiểm lâm viên từ 2012 – 2013), chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không kiểm tra phát hiện kịp thời các vụ phá rừng, để rừng bị phá với diện tích lớn mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2004 đến nay, Sở NN&PTNT đã kiểm điểm và xử lý kỷ luật hình thức từ khiển trách đến buộc thôi việc nên không đề xuất hình thức kỷ luật, mà yêu cầu công chức “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Tương tự, với 9 cá nhân còn lại, hầu hết là hạt trưởng hạt kiểm lâm, kiểm lâm viên, trưởng trạm kiểm lâm đang công tác (hoặc công tác trong giai đoạn từ 2016 đến nay), cơ quan này cũng đề nghị… kiểm điểm rút kinh nghiệm.

17 năm quan chức phá rừng

Theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT Đắk Nông, năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ, nay là tỉnh Đắk Nông) giao 3.280ha rừng và đất rừng phòng hộ xung yếu (thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk; nay là xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) cho Viện lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý bảo vệ và thực hiện dự án nghiên cứu lâm sinh.

Tuy nhiên, Viện lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã để mất 2.052,743 ha rừng, kéo dài từ năm 2003 đến tháng 12/2020.

Được giao đất, rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã không xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng giai đoạn từ năm 2005 – 2013; không xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 27 Luật Lâm nghiệp năm 2017; không xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2003 – 2017; từ năm 2017 – 2021, dù có lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hàng năm, nhưng đơn vị chủ rừng không gửi đến cơ quan kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp huyện tham gia ý kiến.

Dự án lâm sinh của Viện này cũng “thực hiện không hiệu quả, chưa đạt đúng mục tiêu của Bộ NN&PTNT phê duyệt”.

Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo thu hồi hơn 2.100ha đất lâm nghiệp và hơn 961ha đất, rừng của Viện lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được giao quản lý; lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả.

Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện Đắk G’long xem xét, tổ chức kiểm kiểm tập thể, cá nhân có có khuyết điểm liên quan đến kết luận thanh tra (đã nêu trên); giao Sở TN&MT chuyển tin báo đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông về hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng của Viện khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để xử lý.

Nguyễn Quân